Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vì sao xăng giả vẫn có 'đất sống'?

19/04/2021 09:15

Lợi nhuận lớn, kiểm soát thị trường thiếu chặt chẽ... "kích thích lòng tham" của các cá nhân, tổ chức kinh doanh xăng giả.

Hàng trăm triệu lít xăng giả, kém chất lượng tuồn vào thị trường vừa được cơ quan điều tra phát hiện. 55 người liên quan đã bị cơ quan điều tra bắt giam, khởi tố. Mới nhất ngày 15/4, Lương Đình Tiến - Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An (Petrolimex Long An) bị bắt, khởi tố do liên quan tới đường dây này.
 
Chủ một đại lý xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, những vụ việc liên quan tới xăng giả vừa bị cơ quan điều tra phanh phui thực tế đã "tồn tại từ lâu". Ông kể thực tế nhận không ít lời mời chào mua xăng RON 95 với giá thấp hơn nhiều so với nhập từ các doanh nghiệp đầu mối lớn như PVOil, Petrolimex, cùng mức chiết khấu hấp dẫn (thường 1.500-2.000 đồng một lít) và cam kết lúc nào hàng cũng sẵn. Vào những thời điểm khan hàng, những lời mời này càng "tới tấp".
 
Theo vị này, với mức giá thấp hơn 15-20% từ các nguồn hàng "sạch", chỉ cần nhập loại xăng kém chất lượng về bán đúng giá niêm yết, đầu mối nhập bán đã bỏ túi khoản lời này. Chưa kể, mức chiết khấu lúc nào cũng quanh 1.500 đồng, có thời điểm lên tới 2.000 đồng một lít. Rõ ràng, lợi nhuận "khủng" từ kinh doanh xăng giả là động lực khiến không ít người lao vào dù biết vi phạm pháp luật.
Cảnh sát niêm phong một bồn chứa dầu giữa sông Hậu. Ảnh: Thái Hà.
 
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo cũng nhận xét, phần lớn các đối tượng nhập lậu xăng, buôn bán xăng giả là để trốn thuế.
 
Ông phân tích, thuế, phí mỗi lít xăng dầu chiếm tỷ trọng đáng kể (trên 60% với xăng, 40% với dầu), nên luôn có xu hướng xuất hiện hành vi gian lận, nhập lậu, pha chế xăng giả không đảm bảo chất lượng. Do trốn, không phải chịu thuế như xăng "sạch" mỗi lít xăng giả được bán ra số lãi thu về khoảng 8.000 - 10.000 đồng, chưa gồm mức chiết khấu.
 
"Thuế phí xăng dầu cao nên kinh doanh xăng dầu lậu trở nên quá hấp dẫn. Những khoản "siêu" lợi nhuận đã kích thích lòng tham của cá nhân, doanh nghiệp thẩm lậu xăng dầu. Để qua mắt cơ quan chức năng họ dùng nhiều thủ đoạn tinh vi", ông Bảo nêu.
 
Lý do nữa được các chuyên gia nêu là sự kiểm soát, quản lý thị trường với xăng dầu còn buông lỏng, chưa chặt chẽ. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành về kiểm soát nguồn hàng, thị trường, chất lượng xăng dầu. Nghị định 83 quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương là giám sát, phát triển hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguồn cung và phối hợp điều hành giá cùng Bộ Tài chính. Còn cơ quan chủ trì quản lý, kiểm tra, kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất, pha chế và lưu thông trên thị trường là Bộ Khoa học & Công nghệ. Các địa phương có trách nhiệm giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý.
 
Ở khía cạnh kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường (thuộc Bộ Công Thương) được phân giao quản lý, xử lý các hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá, trong đó có xăng dầu. Nhưng chính cơ quan này cũng kêu khó khăn do chỉ là một trong số cơ quan như hải quan, cảnh sát biển, đo lường chất lượng, thuế... cùng tham gia kiểm tra, rà soát chất lượng xăng dầu.
 
Cũng vì một mặt hàng do nhiều bộ, ngành cùng quản, trong khi thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong kiểm soát thị trường xăng dầu, ông Bảo nhận xét, khiến xăng giả, kém chất lượng vẫn có thị trường, nơi tiêu thụ.
 
Bên cạnh đó, vẫn còn những kẽ hở trong chính sách quản lý để các đối tượng kinh doanh xăng giả lợi dụng, "lách" luật. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến hết năm 2020 có 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Điều kiện đưa ra tại Nghị định 83 khá chặt, nhưng trong thời gian ngắn, số lượng đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng đáng kể. Từ 13 thương nhân đầu mối năm 2012, sau 3 năm tăng thêm 6 đơn vị, lên 19 thương nhân vào năm 2015. Số lượng doanh nghiệp đầu mối tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 32 đơn vị vào giữa năm 2019 và tăng 8 đơn vị nữa sau đó một năm.
 
Thực tế, thị phần bán lẻ xăng dầu phần lớn vẫn nằm trong tay một số "ông lớn", miếng bánh còn lại của thị trường chia cho hơn 30 doanh nghiệp đầu mối nhỏ. Thị phần không nhiều, nhưng đổi lại những đầu mối nhỏ này lại có trong tay hệ thống bán lẻ.
 
"Xăng dầu giả, kém chất lượng không thể có "đất sống", nếu không có hệ thống tiêu thụ, thông qua các kênh bán lẻ", một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu nói.
 
Vị này cho rằng, Nghị định 83 đưa ra các quy định khá chặt chẽ để "quản" mặt hàng xăng dầu, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh mới được cấp giấy chứng nhận kinh doanh mặt hàng này. Nhưng chặt không có nghĩa không có điểm hở.
 
Yêu cầu bắt buộc để trở thành doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, theo Nghị định 83, là thương nhân phải sở hữu hoặc đồng sở hữu tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ, 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, các tổng đại lý, đại lý bán lẻ, nhượng quyền chỉ được nhận hàng từ một nguồn nhưng thương nhân phân phối lại được nhận hàng từ nhiều nguồn và bán xuống các đại lý, cửa hàng của mình.
 
Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo cho rằng, với số lượng cửa hàng xăng dầu đã lên tới 16.000, rải khắp 63 tỉnh, thành phố, khó có thể chỉ kiểm soát, quản lý xăng dầu bằng "tay, mắt" như trước. Ông nhắc tới việc ứng dụng công nghệ ở khâu bán lẻ, yêu cầu tất cả cửa hàng xăng dầu phải đấu nối trực tiếp với cơ quan thuế để kiểm soát lượng bán ra mỗi ngày; liên thông dữ liệu giữa cơ quan thuế, quản lý thị trường, hải quan... Cùng đó, nhà chức trách cũng cần đưa ra quy định, yêu cầu người tiêu dùng phải lấy hoá đơn mỗi lần mua xăng, dầu... mới kiểm soát phần nào "nạn" xăng giả.
 
Theo ông Nguyễn Tuấn Tú - Trưởng phòng thử nghiệm Xăng dầu khí - Quatest 1 (Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghê), để xác định chất lượng một mẫu xăng cần đánh giá bởi hệ thống thử nghiệm đạt chuẩn qua nhiều chỉ số mới có thể kết luận. "Không thể phân biệt xăng giả bằng mắt thường", ông Tú cho hay.
 
Chưa kể các đối tượng làm giả mặt hàng này có nhiều chiêu trò tinh vi để đối phó nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Chẳng hạn, trong vụ án sản xuất 200 triệu lít xăng dầu giả đang được cơ quan công an tỉnh Đồng Nai mở rộng điều tra, thủ đoạn của các đối tượng là dùng tàu biển trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ nước ngoài về phao số 0. Sau đó dùng các loại dung môi hóa chất pha chế thành xăng loại RON 95 kém chất lượng, đưa về hệ thống cửa hàng để hợp thức hóa tiêu thụ trên thị trường.
 
Nhìn nhận còn những kẽ hở chính sách, Bộ Công Thương cho biết, một trong những sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện Nghị định 83 là "siết" việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu. Khái niệm "đồng sở hữu" sẽ được loại bỏ, thay vào đó là quy định sở hữu cơ sở vật chất, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu với tỷ lệ sở hữu tối thiểu 35% giá trị tài sản; không giảm điều kiện về kiểm soát chất lượng xăng dầu... Quy định hạn mức nhập khẩu tối thiểu với từng doanh nghiệp đầu mối cũng sẽ được xem xét điều chỉnh, chuyển thành tổng nguồn tối thiểu để đảm bảo an toàn, chất lượng.
 
Cuối năm 2020, đơn vị này đã lập đoàn kiểm tra, giám sát, phát hiện 4 đơn vị không đủ điều kiện kinh doanh, 2 trong số này bị thu hồi giấy phép và hai đơn vị khác bị đình chỉ hoạt động. Việc kiểm tra vẫn đang được tiến hành, mở rộng.

Anh Minh
Bạn đang đọc bài viết "Vì sao xăng giả vẫn có 'đất sống'?" tại chuyên mục Kinh doanh.