Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xuất khẩu bế tắc, DN của đại gia Năng 'Do thái' chao đảo

29/08/2022 14:13

Thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đang vật lộn với lạm phát và suy thoái kinh tế khiến xuất khẩu của DN ông Hồ Xuân Năng (Năng 'Do thái") gặp khó.

Công ty CP Vicostone (VCS) của Chủ tịch Hồ Xuân Năng (hay còn gọi là Năng ''Do thái") ước tính kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần 1.725 tỷ; lợi nhuận trước thuế đạt 439,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,8% và 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vicostone ghi nhận doanh thu 3.337 tỷ đồng, lãi trước thuế 881,2 tỷ đồng, lần lượt đi ngang và giảm gần 9% so với cùng kỳ 2021. 

Năm 2022, Vicostone đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế tương ứng là 8.367 tỷ đồng và 2.413 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 18,34% và 15,06%. Như vậy, 6 tháng đầu năm, Vicostone mới hoàn thành 37% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của là 2.371 tỷ đồng, tăng 374 tỷ đồng, đặc biệt tồn kho dưới dạng thành phẩm là 606 tỷ đồng, tăng 174 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Có thể thấy, năm 2022 đặc biệt khó khăn cho Vicostone.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, cổ phiếu VCS đạt 79.100 đồng/cp, giảm 31% so với mức đỉnh trong năm 2022 là 114.800 đồng/cp vào cuối tháng 3.


Ông Hồ Xuân Năng

Lý giải về sự tụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, phía Vicostone cho hay do doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh của công ty chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu như: Lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột Nga - Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021...

Theo phân tích của Vicostone, thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại các thị trường chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao. Vicostone cho hay, châu Âu chính là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, không chỉ bởi vị trí ngay sát trung tâm xung đột, mà còn vì sự phụ thuộc lớn của châu lục này vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Trong khi đó, Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Vicostone, giá năng lượng và lương thực tăng ở nước này tăng cao, khiến lạm phát tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục 8,1% vào tháng 5 và 9,1% vào tháng 6, 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tháng 5 tăng 8,6%, cao nhất từ năm 1982, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp ngày 15/6, mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ. Lãi suất đi vay cao khiến hoạt động xây dựng nhà ở và mua bán nhà sụt giảm. Bên cạnh đó,tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao và thiếu hụt nhân công lao động phổ thông.


Chi phí nguyên vật liệu tăng, cản trở tăng trưởng của Vicostone

Chưa hết, trong 6 tháng đầu năm, Vicostone còn phải đối mặt khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm giá rẻ từ đối thủ trong ngành: Các nhà sản xuất đá thạch anh trên thế giới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là khu vực châu Á -Thái Bình Dương, nổi lên là Ấn Độ, Trung Quốc, ngay cả trong nội địa Việt Nam và mới đây là Malaysia.

Việc thiếu hụt các vật liệu xây dựng, thiết bị nhà bếp, phòng tắm, đồ dùng trong lĩnh vực nội thất, có nguyên nhân từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá cước vận chuyển tăng cao cùng với việc thiếu hụt lao động, nhân công,... cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường xây dựng, bất động sản nói chung và việc tiêu thụ sản phẩm đá nhân tạo nói riêng tại các thị trường chính, làm trì hoãn tiến độ các dự án nhà ở tại Mỹ và châu Âu.

Hướng mục tiêu 1.300 điểm

Theo CTCK Rồng Việt, Thị trường trở lại trạng thái thận trọng sau 3 phiên tăng điểm, do cầu giá cao nhìn chung vẫn còn thận trọng bất chấp tín hiệu vượt cản 1.284 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy áp lực cung đang gia tăng khi VN-Index hướng đến gần ngưỡng cản quan trọng 1.300 điểm.

Hiện tại, vùng 1.280 điểm của VN-Index có thể sẽ có động thái hỗ trợ cho thị trường và giúp thị trường có nhịp hồi để kiểm tra cung cầu. Tuy nhiên, dự kiến áp lực cung tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn còn mạnh. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng và hạn chế vị thế mua. Đồng thời nên cân nhắc tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, do áp lực từ vùng cản đối với thị trường vẫn đang hiện hữu.

Còn theo CTCK SSI, Trong các phiên tới, nếu VNIndex chinh phục trở lại vùng quan sát 1.284-1.285 điểm, chỉ số sẽ nối dài diễn biến đi lên với vùng mục tiêu gần là 1.300 điểm. Ngược lại nếu kiểm lại không thành công vùng này, Vn-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần là 1.250 điểm.

Ngọc Cương
Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu bế tắc, DN của đại gia Năng 'Do thái' chao đảo" tại chuyên mục Kinh doanh.