Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

4 bãi xe ngầm ở trung tâm Sài Gòn 'nằm trên giấy'

28/01/2021 13:58

Bốn bãi xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng, công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư quy hoạch xây dựng nhiều năm nhưng chưa dự án nào triển khai.

Các dự án nói trên đều nằm ở quận 1, được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng, kỳ vọng giải quyết nhu cầu đậu, giữ xe tại khu trung tâm TP HCM vốn rất khan hiếm. Nhưng đến nay chưa công trình nào thực hiện, một dự án bị "khai tử". UBND thành phố đã yêu cầu sở ngành liên quan rà soát các dự án để có phương án phù hợp, thúc đẩy đầu tư.

Dự án bãi xe ngầm sân khấu Trống Đồng tiền thân là dự án hầm đậu xe và thương mại dịch vụ Lam Sơn, được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện năm 2008. Địa điểm xây dựng ban đầu ảnh hưởng Nhà hát thành phố và các tuyến metro nên hai năm sau, dự án được đổi qua vị trí sân khấu Trống Đồng, cách đó hơn một km.

Sân khấu ca nhạc Trống Đồng - nơi xây dựng bãi xe ngầm Trống Đồng quy mô 7 tầng ngầm 3 tầng nổi hiện chưa triển khai. Ảnh: Gia Minh.

Sân khấu ca nhạc Trống Đồng - nơi có dự án xây bãi xe ngầm 7 tầng ngầm 3 tầng nổi. Ảnh: Gia Minh.

Công trình có tổng vốn gần 900 tỷ đồng, xây trên diện tích hơn 5.300 m2, gồm 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, sức chứa hơn 700 ôtô và 400 xe máy. Ngoài bãi đậu xe kết hợp thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp còn xây hoàn chỉnh sân khấu Trống Đồng giao cho đơn vị quản lý. Quá trình dự án triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc nên bị đình trệ kéo dài. Cuối năm 2018, công trình nằm trong số 180 dự án chậm triển khai, bị Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thu hồi.

Tháng 7/2019, TP HCM đồng ý cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương tiếp tục thực hiện dự án. Đổi lại, doanh nghiệp phải cam kết đúng tiến độ khởi công vào năm 2020, hoàn thành cuối năm 2022. Tuy nhiên hiện quá thời hạn nhưng dự án chưa thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, cho biết, dự án đình trệ liên quan việc điều chỉnh quy hoạch. Năm 2016, dự án xong phần thiết kế, chuẩn bị khởi công thì phải điều chỉnh do vướng ranh Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Tuy nhiên quá trình điều chỉnh, dự án bị yêu cầu thay đổi chức năng tầng trên mặt đất. Việc này làm bản chất quy hoạch được duyệt trước đó, ảnh hưởng nhiều đầu việc khác, phát sinh chi phí...

Dự án bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Không gian ngầm (IUS) thực hiện, đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công trình có tổng diện tích xây ngầm 11.000 m2, quy mô bốn tầng ngầm gồm hai khu thương mại và khu đậu xe sức chứa hơn 2.000 xe máy, gần 1.300 ôtô.

Công viên Lê Văn Tám nhìn từ trên cao, ngày 28/1. Ảnh. Quỳnh Trần.

Công viên Lê Văn Tám nhìn từ trên cao, ngày 28/1. Ảnh. Quỳnh Trần.

Dự án động thổ năm 2010 nhưng sau đó "án binh bất động" vì gặp nhiều vướng mắc. Năm 2012, nhà đầu tư hoàn chỉnh thiết kế cơ sở nhưng sau đó xin điều chỉnh, đến tháng 3/2017 mới hoàn tất, ký thêm phụ lục hợp đồng. Nhà đầu tư cam kết cuối năm 2017 triển khai, thi công dự án nhưng không thực hiện. Tháng 8/2019, dự án bị UBND TP HCM chấm dứt hợp đồng và thu hồi.

Tình trạng đình trệ cũng xảy ra tại 2 dự án bãi đậu xe ngầm ở sân vận động Hoa Lư và sân bóng đá Tao Đàn. Công trình bãi xe ngầm công viên Tao Đàn tổng đầu tư 1.055 tỷ đồng, gồm một trệt và bốn tầng ngầm đáp ứng gần 1.200 ôtô, 900 xe máy. Dự án ở sân vận động Hoa Lư vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng với 5 tầng ngầm phục vụ thương mại và bãi đậu hơn 2.500 ôtô, 2.873 xe máy. Hiện, hai dự án bị đề xuất chấm dứt đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đấu thầu tìm nhà đầu tư.

Cả 4 dự án bãi giữ xe ngầm bị chậm trễ đều nằm ở quận 1. Đồ họa: Khánh Hoàng.

Bốn dự án bãi giữ xe ngầm đều nằm ở quận 1. Đồ họa: Khánh Hoàng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, 4 dự án bị chậm do khi thực hiện gặp khó liên quan chi phí đầu tư công trình ngầm, đơn giá thuê đất ngầm, phòng cháy chữa cháy... Những vướng mắc này chưa có quy định cụ thể nên dự án phải liên tục cập nhật, giải quyết. Nhà đầu tư cho rằng xây bãi đậu xe ngầm vốn đầu tư lớn nhưng mức phí giữ xe thành phố đưa ra thấp hơn nhiều thị trường, dẫn đến khó thu hồi vốn...

Tổng diện tích bến bãi tại TP HCM hiện đạt khoảng 20% so với quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha sau năm 2020. Thành phố đang có 35 bến bãi, thấp hơn nhiều so với 126 vị trí được quy hoạch. Việc này không đáp ứng nhu cầu đậu, giữ xe ngày càng lớn, đặc biệt là tại khu trung tâm.

Gia Minh
Bạn đang đọc bài viết "4 bãi xe ngầm ở trung tâm Sài Gòn 'nằm trên giấy'" tại chuyên mục Đời sống.