Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bản tin tài chính ngân hàng 9/11: Nhộn nhịp mua bán cổ phiếu MBB

09/11/2020 14:17

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 9/11/2020 có những nội dung chính sau: Nhộn nhịp mua bán cổ phiếu MBB; PG Bank bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT...

Bản tin tài chính ngân hàng 9/11

Nhộn nhịp mua bán cổ phiếu MBB

Một loạt giao dịch cổ phiếu MBB đã được quĩ đầu tư và người nội bộ thực hiện trong những ngày vừa qua.

Trong báo cáo gửi Ủy ban chứng khoán, MB cho biết ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban điều hành, phụ trách khối ngân hàng số đã mua xong 1 triệu cổ phiếu MBB, hoàn thành 100% lượng đăng kí.

Trước đó, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc ngân hàng cũng mua thành công 1 triệu cổ phiếu MBB trong thời gian 21 - 23/10, đưa tổng số cổ phiếu nắm giữ lên hơn 2,54 triệu cổ phiếu.

Trái chiều với các lãnh đạo ngân hàng, Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) thông báo bán xong gần 1,3 triệu triệu cổ phần MBB, tương đương 81% lượng đăng kí bán trước đó, nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Trước đó, JAMF đăng kí bán 1,56 triệu cổ phiếu MBB trong thời gian từ 14/10 đến 12/11/2020, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn. Đây là số cổ phần còn dư lại trong đợt đăng kí bán trước đó và cổ tức được nhận của JAMBF...

PG Bank bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) mới đây đã bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PG Bank từ ngày 2/11/2020.

Trước đó, HĐQT ngân hàng đã miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng và bổ nhiệm ông Dũng làm Phó Chủ tịch ngân hàng từ ngày 2/11.

Ngoài ra, PGBank cũng cho biết ngân hàng đang có kế hoạch nộp hồ sơ đăng kí giao dịch 300 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, do đó từ giữa tháng 10, ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để đăng kí chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

TPBank, Techcombank được chấp thuận tăng vốn điều lệ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chấp thuận Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) tăng vốn điều lệ từ gần 8.566 tỉ đồng lên gần 10.717 tỷ đồng theo phương án hội đồng quản trị của ngân hàng đã thông qua trước đó.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB).

Cụ thể, Techcombank được thực hiện tăng vốn điều lệ thêm gần 48 tỷ đồng, từ hơn 35.001 tỷ đồng lên 35.049 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 và Hội đồng quản trị thông qua.

VDSC: Nợ xấu sẽ tiếp tục tăng, nhiều khả năng vượt ngưỡng 3% vào năm 2021

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra nhận định về chu kì nợ xấu mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo VDSC, nợ xấu (NPL) tăng đáng kể trong 9 tháng 2020 nhưng việc hoãn phân loại nợ có thể giữ nợ xấu theo báo cáo dưới ngưỡng 3,0% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.

Với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9,0% so với cùng kì vào năm 2020, VDSC ước tính tỉ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ khoảng 2,4% vào cuối năm 2020.

VDSC cho rằng không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch, và vượt ngưỡng 3,0% do NHNN đặt ra vào năm 2021.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB dẫn đầu tăng giá, gần 109 triệu cp TCB được trao tay

Sau khi đồng loạt giảm vào tuần trước, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục trở lại trong tuần giao dịch 2/11 - 6/11 với 13/21 mã tăng giá.

Tính chung trong 5 ngày giao dịch vừa qua, SHB là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành (+4,5%) với 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm giá.

Ngoài SHB, một loạt mã ngân hàng khác cũng ghi nhận xu hướng tăng giá trong tuần như CTG (+4,3%), ACB (+4,1%), HDB (+3,7%), TPB (+2,9%), VCB (+2,4%),...

Ngược lại, chỉ có 4 mã ngân hàng giảm giá trong tuần với KLB giảm sâu nhất (-2,5%). 2 mã đứng giá gồm SGB và NAB. Ngoài ra, VIB và LPB đã hủy giao dịch trên UPCoM và đang chờ lên niêm yết tại HOSE.

Nhật Bản sắp mở văn phòng thu hút các công ty tài chính nước ngoài

Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết Nhật Bản vào tháng 1/2021 sẽ thành lập văn phòng để thu hút thêm các tổ chức tài chính và quĩ đầu tư nước ngoài, đồng thời cung cấp hỗ trợ bằng tiếng Anh để các nhà đầu tư tiến vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Theo dự kiến, Bộ Tài chính Nhật Bản và Cơ quan dịch vụ tài chính sẽ cùng hợp tác thành lập văn phòng trên với khoảng 10 nhân viên.

Tuy nhiên, các mức thuế cao và rào cản ngôn ngữ thường được cho là lý do khiến Nhật Bản kém hấp dẫn hơn các đối thủ châu Á khác trong cuộc đua trở thành trung tâm tài chính quốc tế tại khu vực.

Goldman Sachs lên kế hoạch chuyển khối tài sản lên tới 60 tỷ USD từ Anh sang Đức hậu Brexit

Theo một nguồn tin tài chính tiết lộ ngày 6/11, ngân hàng Goldman Sachs có trụ sở tại New York, Mỹ, này cũng dự định vào cuối năm nay điều chuyển khoảng 100 nhân viên đang làm việc tại London sang các quốc gia khác thuộc EU.

Không chỉ Goldman Sachs, nhiều ngân hàng khác cũng đã đưa ra quyết định tương tự. Theo hãng Bloomberg, ngân hàng JPMorgan Chase đang lên kế hoạch chuyển khoảng 200 tỷ euro ra khỏi Anh vào cuối năm nay.

Theo Bundesbank, Đức được xem là điểm đến hấp dẫn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) đối với các ngân hàng rời London hậu Brexit. Dự báo các tổ chức tài chính sẽ chuyển số tài sản có tổng giá trị lên tới 675 tỷ euro (khoảng 786,45 tỷ USD) ra khỏi Anh và tạo ra 2.500 việc làm mới.

Lưu Lâm (t/h)