Bỏ nghề thợ điện đi bán bánh mì
Quầy bánh mì có tuổi đời hơn 80 năm ở Sài Gòn.
Tại góc đường Hai Bà Trưng (phường 6, quận 3, TPHCM), vào mỗi buổi sáng dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người tập trung tại quầy để chờ đến lượt mua bánh mì.
Mỗi sáng, hàng chục người xếp hàng để chờ mua bánh mì.
Gọi là quầy nhưng thật ra đây chỉ là một mẹt chả, bánh mì và một vài ghế nhựa để người bán ngồi. Chủ của quầy bánh mì khiêm tốn này là anh Nguyễn Hoàng Quốc Thiện (45 tuổi) là chủ thứ 3 của quán, bán từ năm 1996 đến nay. Thương hiệu "Bánh mì Cụ Lý" đã có từ những năm 1940 và hiện tại có tuổi đời hơn 80 năm.
Trái với vẻ ngoài tưởng chừng như tạm bợ, mẹt bánh mì của anh Thiện luôn đông nghịt khách mỗi sáng. Dường như lúc nào thực khách cũng phải xếp hàng thì mới có thể mua bánh.
"Tôi may mắn vì được kế thừa thương hiệu lâu đời, nhờ vậy lượng khách lúc nào cũng ổn định. Quầy bánh mì chỉ có 2 người bán là tôi và vợ, nhiều lúc khách đông, nhiều người đợi lâu dưới cái nắng của thành phố nên không giữ được bình tĩnh", anh Thiện tâm sự.
Giá của một ổ bánh mì dao động từ 20.000 - 25.000 đồng.
Bánh mì và nguyên liệu không được bày bán trong những tủ kính thường thấy. Thay vào đó, tất cả mọi thứ được bày biện ngay trên một cái mẹt lớn lót lá chuối xanh với rất nhiều loại chả.
Giá cả của một phần bánh mì dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/phần tùy theo số lượng chả được kẹp bên trong. Mỗi ngày anh Thiện và vợ của mình có thể bán 450 - 500 ổ.
Tuy bán nhiều nhưng vì nguyên liệu do anh Thiện tự sản xuất nên lợi nhuận chỉ đủ đóng tiền học cho con và trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
"Tôi chỉ bán khoảng 3 tiếng, từ 6h - 9h30 là dọn hàng về. Khách hàng chủ yếu của tôi là công nhân văn phòng, viên chức, sinh viên,… vì thế, tôi chỉ bán từ thứ 2 đến thứ 7 còn chủ nhật thì nghỉ", anh Thiện cho biết.
Từ lúc bắt đầu bán đến lúc dọn hàng, vợ chồng anh Thiện không khi nào ngơi tay, làm thật nhanh bánh mì để khách mang đi.
Tuy đã phụ bán bánh mì từ khi còn nhỏ, nhưng đây không phải nghề chính của anh Thiện. Vào những năm 90, anh Thiện là thợ điện lạnh với mức lương dao động 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, số tiền này đã đủ để lo toàn bộ chi phí trong gia đình và giúp mình có cuộc sống ổn định. Tuy vậy, vì để giữ nghề cha ông, anh đành nghỉ việc ở nhà bán bánh mì.
"Năm 1996, cụ Hiếu là đời chủ thứ 2 của quầy lớn tuổi, không thể tiếp tục bán, tôi không muốn bị mất thương hiệu bánh mì này nên đã nghỉ thợ lạnh và tiếp quản quán từ thời điểm đó", anh Thiện cho biết.
Bánh mì của anh Thiện thu hút nhiều thực khách.
Từ 4h sáng hằng ngày, anh Thiện và vợ đã thức giấc để sơ chế hành tây, dưa leo, cắt sẵn những phần chả thành miếng để khi làm bánh mì có thể tiết kiệm thời gian sơ chế. Tránh để khách phải đợi lâu và tập trung số lượng lớn, nhất là trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tuy mỗi ngày, quầy bán từ 450 - 500 ổ bánh mì cho khách, nhưng số tiền lời lại không đáng là bao. Anh Thiện chia sẻ: "Nhiều người nghĩ tôi sẽ có thu nhập "khủng" lắm vì lúc nào quầy cũng đông khách nhưng thật ra số tiền lời cũng chỉ đủ tiền lo tiền học cho 4 người con và ăn uống trong gia đình".
Trước đây anh Thiện thường đi chợ để mua các loại chả về cắt nhỏ ra bán. Tuy vậy, chi phí để mua chả khá cao nên anh Thiện quyết định tự làm chả theo cách truyền thống tại nhà. Với việc tự làm chả, anh Thiện vừa có nguồn hàng đảm bảo vệ sinh, vừa tăng lợi nhuận khi bán bánh mì.
"So với việc đi mua chả ở chợ thì việc tôi tự làm chả nó tổn công và cực hơn nhiều. Cùng với đó giá cả vật tư và nguyên liệu đều tăng theo thời gian vì vậy tiền lợi nhuận từ quầy cũng không được là bao", anh Thiện cho biết
Nhờ bí quyết riêng mà quầy bánh mì luôn giữ chân được thực khách nhiều năm qua.
"Có thời điểm, tôi đã từng có ý định sẽ không bán bánh mì nữa vì tiền lợi nhuận thấp. Nhưng công làm cực quá, tôi cũng đã sắp 50 tuổi nên sợ sức khỏe không đảm bảo. Nhưng nghĩ lại, gia đình tôi đã gắn bó với quầy này đã hơn 8 thập kỷ, bản thân tôi được nuôi lớn cũng đều nhờ quầy này. Vì vậy, tôi không muốn thương hiệu này biến mất nên cố gắng trụ lại với nghề", anh Thiện tâm sự thêm.
Để kiếm thêm thu nhập, anh Thiện nhận bỏ sỉ, lẻ các loại chả cho các quán ăn, chợ ở khu vực lân cận. Nhờ vậy, gia đình anh cũng có được thêm một khoản tiền để lo cho các con nhỏ.
"Tôi mong vẫn giữ được sức khỏe để có thể tiếp tục công việc này. Chuyện tương lai thì tôi không biết các con có theo nghề này hay không nhưng nếu được, tôi vẫn mong "Bánh mì Cụ Lý" vẫn có đời 4, 5, 6,… Vì đây công sức do ông tôi từ 2 bàn tay trắng dựng lên", anh Thiện tâm sự.