Số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường củng cố thêm nhận định của Monique Moore. Tại Anh, tỷ trọng doanh số bán lẻ trực tuyến đạt 36% trong tháng 2, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cũng cho thấy người Mỹ đã không còn đổ xô đến các trung tâm mua sắm vào Black Friday, thay vào đó, chi 9 tỷ USD cho việc mua sắm trên mạng.
Nhiều người chọn mua sắm trực tuyến để giải tỏa sự cô đơn và lo lắng trong bối cảnh bị "giam chân" tại nhà. Ảnh: Shutterstock.
Có nhiều lý do khiến mọi người nghiện mua sắm online, tuy nhiên lý do phổ biến xuất phát từ sự buồn chán, cô đơn và lo lắng trong bối cảnh bị "giam chân" tại nhà. Khi lệnh phong tỏa hoặc giãn cách hạn chế các hoạt động duy trì sức khỏe, tập luyện, giao lưu, chẳng hạn như ăn tối với bạn bè, đi du lịch, đến phòng tập, nhiều người đã chuyển sang mua sắm để tìm cảm giác vui vẻ.
Trong một cuộc thăm dò ở Mỹ, 72% người được hỏi cho biết họ đã bốc đồng mua sắm một thứ gì đó để cải thiện tâm trạng, giải tỏa cảm giác khó chịu và bị kiểm soát. Giống như thức ăn và rượu, mua sắm kích thích sự gia tăng dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng, tạm thời khiến chúng ta quên đi những cảm xúc tiêu cực. Do hàm lượng dopamine sẽ giảm dần, dẫn đến nhu cầu mua sắm lại được thúc đẩy để "kiếm" thêm.
Đầu thế kỷ 20, các nhà tâm lý học Emil Kraepelin và Eugen Bleuler đã đi sâu nghiên cứu về những cơn cuồng mua sắm. Họ nhận thấy những người mắc chứng rối loạn này chịu những cơn hối thúc không thể kiểm soát, khiến họ không dừng được việc chi tiêu. Các nhà tâm lý học cũng phát hiện ra xu hướng "bản năng" của con người là lấy đồ vật bù đắp cho những nhu cầu chưa được đáp ứng.
Mua sắm online trong thời đại số hiện nay đơn giản hơn bao giờ hết, sản phẩm có thể được giao tận nhà, khiến cho việc cưỡng lại những cơn cuồng mua sắm trở nên khó khăn hơn. Việc này có thể gây ra các tác hại về tài chính, thậm chí là tình cảm và mối quan hệ (do sự bất hòa giữa những người trong gia đình về việc mua sắm), nếu nó không được kiểm soát.
Theo lời khuyên của chuyên gia Monique Moore, nếu kể từ khi Covid-19 hoành hành, bạn đã mua sắm nhiều hơn bình thường và đang dần trở thành một con nghiện mua sắm, tốt nhất nên dừng lại.
Lời khuyên cho bạn là: Nếu đột nhiên bạn lướt web thấy thứ gì đó bạn muốn nhấn nút mua ngay lập tức, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những gì bạn thực sự cần. Bạn có thực sự muốn một chiếc áo phông mới, hoặc món đồ chơi bạn định mua có cần thiết với con bạn không? Sau đó, tạm rời khỏi màn hình máy tính hoặc máy điện thoại một lúc để tìm câu trả lời cho mình.
Ngoài ra, bạn có thể thu thập dopamine từ các hoạt động khác, thay vì chúi mũi vào các trang mua sắm. Khi bạn tìm ra được các hoạt động khơi gợi cho mình hứng thú, thì bạn sẽ "cai" được cơn nghiện sắm sửa đồ online.
Trước khi vào trang mua sắm, bạn cũng nên lập danh sách những thứ cần mua để có được mục đích cụ thể, thay vì xem lan man trang này, trang khác và rồi dễ bị thu hút.
Một lời khuyên quan trọng khác: Đừng đăng ký nhận tin thông báo từ các nhà bán lẻ trực tuyến, đồng thời theo dõi chi tiêu và đặt ra các giới hạn rõ ràng cho việc chi tiêu online. Điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn với việc mua sắm.