Trong đêm tối, sứa nổi lên thành từng vạt. Đầu sứa tròn gọi là vòm mũ phồng ra, hút nước vào trong. Sau đó chúng co bóp, tạo áp lực đẩy nước ra ngoài và tiến về phía trước. Với hàng chục xúc tua dài, sứa di chuyển nhanh.
Một con sứa bơi trên mặt nước. Ảnh: Đắc Thành
Ông Hùng dùng chân chèo lái chiếc ghe máy chạy chậm, đầu đội đèn pin soi, tay cầm vợt làm bằng sào tre dài 3 m, phía dưới gắn túi lưới vớt sứa. Vợ ông đứng đầu mũi ghe cũng luôn tay vớt. Từng con sứa to bằng bát ăn cơm, mềm nhũn được vợt cho vào thùng nhựa 20 lít.
Từ tháng 12 âm lịch đến tháng 4 năm sau, sứa tập trung nhiều ở các nhánh sông Trường Giang, nơi nước lợ. Thủy triều lên sứa nổi nhiều, nước xuống chúng nổi ít. "Sứa trên đoạn sông này có hai loại, phân biệt bằng màu sắc. Sứa trắng có chấm đỏ nâu ăn không ngon, không giòn bằng sứa xanh", ông Hùng tiết lộ.
Trời sáng, vợ chồng ông Hùng cho ghe vào gần bờ đường Võ Chí Công, đoạn qua xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Họ nhấc từng con sứa lên, ngắt lấy phần chân, vứt bỏ phần thân. Thành quả sau 5 tiếng đánh bắt của họ là hơn 10 thùng sứa, bán 120.000 đồng/thùng.
Ngư dân dùng vợt vớt sứa. Ảnh: Đắc Thành
Đoạn bờ sông đường Võ Chí Công những ngày này nhộn nhịp ghe thuyền công suất nhỏ tấp vào bán sứa. Ngư dân Đỗ Văn Long, ở thị trấn Núi Thành, cho biết không phải năm nào cũng được mùa, thậm chí có năm sứa không xuất hiện. Kinh nghiệm là cuối năm mưa lũ nhiều thì đầu năm sau mới được mùa.
"Năm nay sứa nổi nhiều, thời tiết thuận lợi nên dễ bắt. Ngư dân chúng tôi tạm dừng nghề đánh bắt cá để chuyển qua vớt sứa", ông Long nói và chia sẻ để bắt được nhiều sứa thì phải biết từng lạch nước (gọi là láng nước). Vì có những khúc sông sứa nổi dày đặc, nhưng có khúc không thấy con nào.
Ngoài ra, muốn bắt được nhiều sứa phải dậy sớm ra sông, vì lúc này gió ít dễ quan sát. Khi mặt trời lên, gió nhiều tạo sóng trên mặt nước khó quan sát và sứa không nổi lên. Với hơn 20 thùng chân sứa sau một buổi đánh bắt, vợ chồng ông Long bán được hơn 2 triệu đồng.
Hai người dân đang bỏ phần bụng, lấy phần chân sứa bán. Ảnh: Đắc Thành
Là người chuyên thu mua sứa, ông Võ Ngọc Thanh, ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, cho biết 5h sáng mỗi ngày ông rời nhà, vượt hơn 30 km vào thu mua 8 thùng. Sứa được cho vào hai thùng nhựa lớn gắn phía sau xe máy rồi chất một số bao tải lên trên chở về.
Ông Thanh sau đó dùng máy bơm xịt nước rửa sứa, đảo đi đảo lại nhiều lần để tẩy chất bẩn. Có nhiều người ăn nguyên con sứa, nhưng có người chỉ ăn phần chân, do đó phải tách ra. "Chân sứa chắc, ăn giòn nên được ưa chuộng. Tách sứa chỉ lấy phần chân mất nhiều thời gian nên giá bán gấp đôi sứa nguyên con", ông Thanh giải thích.
Sứa có tên khoa học Scyphozoa, là lớp nhuyễn thể thân mềm, sống dưới nước. Chúng ưa thích môi trường dồi dào sinh vật phù du như rận nước, trùng roi, trứng nước... Sứa thường được chế biến thành món gỏi chấm với mắm ruốc, ăn kèm với quả vả, trái mít nhỏ, xoài xanh, rau thơm, hoa chuối, khế xanh...