Lãi suất huy động giảm nhưng vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới 1 tháng giảm từ 0,5% xuống 0,2%/năm kể từ ngày 13/5.
Lãi suất huy động giảm xuống dưới 4%
Tại các ngân hàng lớn, do áp dụng mức lãi suất thấp từ trước nên mức giảm không nhiều. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng của Vietcombank ở mức 4,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức trần 4,25%/năm.
BIDV, VietinBank và Agribank còn hạ lãi suất xuống mức thấp hơn: 4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 và 2 tháng, chỉ có kỳ hạn 3 tháng trở lên mới ở mức trần 4,25%/năm.
Tuy nhiên, ở các ngân hàng cổ phần, mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng được điều chỉnh giảm mạnh. Chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại ACB đã giảm xuống còn 4,1 - 4,25%/năm (tùy thuộc vào số tiền gửi); lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,25%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện là 6,3 - 6,6%/năm, giảm khoảng 0,2%/năm so với trước đó (đối với khách hàng ngoài khu vực TP.HCM).
Lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng của Sacombank là 4,15 - 4,25%/năm, giảm 0,35 - 0,5 điểm phần trăm so với trước ngày 13/5.
Tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 3 - 5 tháng tại quầy với số tiền dưới 300 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất 3,95%/năm, giảm 0,5%/năm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 - 5 tháng là 4,2%/năm, với số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên.
Khảo sát cho thấy, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng ở một số ngân hàng vẫn ở mức trên 7%/năm: SCB đang niêm yết ở mức 7,1%/năm; NCB là 7,5%/năm...
Nhận định về việc NHNN hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn và giảm hàng loạt lãi suất điều hành lần thứ hai trong vòng 2 tháng qua, các ngân hàng cho rằng, động thái giảm lãi suất của NHNN là rất tích cực và kịp thời, bởi Chính phủ và hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tiết giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí phí tài chính cho khách hàng.
Chuyển từ kỳ hạn ngắn sang dài
Hiện có một số ý kiến quan ngại về việc lãi suất huy động giảm sẽ khiến cho dòng tiền chạy khỏi kênh tiết kiệm ngân hàng và chuyển hướng sang kênh hấp dẫn hơn.
Trên thực tế, dòng tiền trong nền kinh tế luôn tìm đến các kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt nhất, nên lãi suất gửi tiết kiệm giảm chắc chắn sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn của kênh đầu tư này và khiến một phần dòng tiền chuyển sang kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản và ngoại tệ đều đang hàm chứa nhiều rủi ro nên khó thu hút vốn đầu tư.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán có sự hồi phục mạnh mẽ trong tháng 4 với Vn-Index tăng hơn 16%, thuộc một trong những thị trường hồi phục mạnh nhất thế giới. Đà tăng này tiếp tục duy trì khi bước vào tháng 5, dù thị trường chứng khoán có nhiều phiên chao đảo và khối ngoại liên tục bán ròng mạnh.
Vì vậy, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất huy động giảm sẽ khiến cho dòng tiền chạy khỏi kênh tiết kiệm ngân hàng và chuyển hướng sang kênh hấp dẫn hơn sẽ không xảy ra, bởi trong cân đối vĩ mô, 3 - 4 năm qua, lạm phát của Việt Nam tương đối ổn định, dao động xung quanh mức 4%. Với mức lạm phát này, lãi suất bình quân rơi vào khoảng 4% - 5%/năm vẫn đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương.
"Nếu có thì sẽ là dịch chuyển từ tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn qua kỳ hạn dài hơn hoặc điều chỉnh từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, bởi các nhà băng hiện cạnh tranh huy động rất gay gắt. Nhưng nếu nhìn về tổng thể toàn ngành ngân hàng sẽ không thấy khả năng tiền rút ra khỏi hệ thống", ông Tùng nói.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, việc giảm lãi suất điều hành được tính toán trên cơ sở diễn biến thị trường quốc tế và nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.