Khu đất dự án Royal Streamy Villas Dương Đông, Phú Quốc |
Những lùm xùm tại dự án Royal Streamy Villas
Dự án “Khu biệt thự cao cấp Búng Gội” (tên thương mại Royal Streamy Villas) ở Dương Đông- Phú Quốc do công ty Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang C.I.C làm chủ đầu tư và công ty Bất động sản Đảo Vàng (G.I.S) là đơn vị phát triển. Đây là Dự án nổi bật tại Phú Quốc khi sở hữu quỹ đất “sạch”, bao gồm 162 căn biệt thự nghỉ dưỡng phức hợp, shophouse, kết hợp nhiều tiện ích khác. Trên quảng cáo, Dự án được mời gọi rất hấp dẫn, nhưng trong thực tế thì nhiều khách hàng bức xúc vì các vướng mắc sai phạm cũng như cách giải quyết vấn đề không thấu tình đạt lý của công ty Đảo Vàng.
Theo đơn trình báo của khách hàng gửi đến các cơ quan chức năng thì Dự án Streamy Royal Villas Phú Quốc đã vi phạm các điều khoản sau: Huy động vốn trái phép, ký hợp đồng góp vốn trong khi thực chất là đặt cọc mua bán và bàn giao sản phẩm chậm tiến độ trong hợp đồng.
Hợp đồng góp vốn thực chất là đặt cọc mua bán nhà ở của công ty Đảo Vàng ký với khách hàng |
Qua sự giới thiệu của nhân viên công ty Cổ phần Bất động sản Happyland S- đơn vị phân phối độc quyền dự án Streamy Villas của G.I.S, khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn để đặt cọc mua dự án Royal Streamy Villas và đồng thời thanh toán số tiền “góp vốn” đợt I. Tuy nhiên, hình thức hợp đồng góp vốn để mua bán, hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở đã bị pháp luật nghiêm cấm theo điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Quy định tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS không cho phép ký hợp đồng góp vốn để nhận đất, nhận nhà. Vì thế, nếu khách hàng ký hợp góp vốn, hợp tác đầu tư với chủ đầu tư dự án để mua BĐS thì rủi ro rất cao.
Đẩy rủi ro, thiệt hại về phía khách hàng và công ty môi giới?
Cho đến thời hạn đóng tiền đợt II để ký hợp đồng mua bán chính thức thì khách hàng nhận thấy dự án vẫn chỉ mới là bãi đất trống chưa đủ điều kiện mở bán và phía công ty Bất động sản Đảo Vàng cùng với Chủ đầu tư C.I.C không chứng minh được Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép huy động vốn. Do đó, khách hàng cho rằng Chủ đầu tư đang có hành vi huy động vốn trái phép nên không đồng ý tiếp tục đóng tiền mà muốn thanh lý hợp đồng thì hai bên xảy ra tranh chấp.
Liên hệ với bà Nguyễn Ngọc Tiền -Tổng Giám đốc công ty Bất động sản Đảo Vàng, bà Tiền cho biết sự việc đã được thương lượng giải quyết theo hướng đồng ý thanh lý hợp đồng góp vốn với khách hàng, tuy nhiên khách hàng sẽ bị trừ tiền hoa hồng mà bên phía công ty Bất động sản Đảo Vàng phải chi trả cho công ty Happyland S. Việc này được giải thích rằng đó là cách ngăn ngừa việc khách hàng và công ty môi giới bắt tay với nhau để lừa gạt, chiếm đoạt tiền đặt cọc của Chủ đầu tư. Tuy nhiên, phía khách hàng không đồng tình với cách giải quyết trên nên đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, đại diện công ty Cổ phần Bất động sản Happyland S cho biết đến nay vẫn chưa nhận được phí môi giới theo cam kết mặc dù công ty Đảo Vàng đã nhiều lần hứa hẹn việc thanh toán công nợ. Trước đây bà Tiền cũng đã từng vướng một số ồn ào về việc chi trả hoa hồng cho nhân viên môi giới.
Điều đáng nói là phía công ty Đảo Vàng do bà Nguyễn Ngọc Tiền làm đại diện đã phủi bỏ trách nhiệm trên hợp đồng và đổ sang cho sàn giao dịch Happyland S. Bà Tiền cho rằng phải “dạy khách hàng và các sàn giao dịch bài học” bằng cách không thanh toán chi phí cho công ty môi giới và lại trừ phí môi giới đó lên khách hàng khi thanh lý hợp đồng. Đây là cách xử ép, đẩy rủi ro thiệt hại về phía khách hàng và các sàn giao dịch. Chưa bàn về mặt pháp luật, thì việc xử lý như vậy liệu có đúng với hình ảnh một doanh nhân “có tâm có tầm” mà bà Tiền đang cố gắng xây dựng?
Sự việc tranh chấp khiếu nại đã được gửi đến các cơ quan chức năng, cho đến nay vẫn chưa có thông tin hồi đáp. Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam sẽ thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ việc sớm nhất.