Tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm 1%
Thông thường tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ cao nhất, song trong thời gian qua, thị trường thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch, nhưng lại thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, bàn giải pháp phát triển nhà ở đô thị tại TP. Hồ Chí Minh
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện nay tỷ lệ căn hộ bình dân đã giảm từ 51% xuống chỉ còn 1%, chiếm tỷ lệ thấp nhất so với toàn thị trường nhà ở. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng căn hộ bình dân (dưới 20 triệu đồng/m2) bán ra thị trường TP. Hồ Chí Minh gần 12.370 căn (chiếm 51% số căn hộ), nhưng trong năm 2020 chỉ có 163 căn, chiếm 1% số căn hộ được đưa ra thị trường.
Tương tự, so sánh với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2019, phân khúc căn hộ trung cấp lại tăng từ 23,8% đến 56,9% và phân khúc căn hộ cao cấp cũng tăng cao nhất, từ 25,2% đến 42,1%. Như vậy, tình trạng thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu lệch pha cung cầu và nhiều khả năng dẫn đến sự phát triển thị trường thiếu bền vững.
Lý giải về nguyên nhân khiến tỷ lệ căn hộ bình dân thấp nhất so với toàn thị trường trong năm 2020, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là việc nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng “cung - cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng Phòng phát triển nhà và Thị trường BĐS (Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh) - cho hay, do khan hiếm quỹ đất; thủ tục pháp lý còn rườm rà, phức tạp.
Giải bài toán nhà ở cho người lao động đô thị
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các dự án nhà ở xã hội và có khả năng cung ứng gần 36,5 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, tương đương 329.471 căn nhà, đáp ứng cho khoảng 1,1 triệu người. Riêng nguồn cung nhà ở xã hội các dự án đang triển khai là 2,45 triệu m2 sàn với 27.574 căn. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, TP. Hồ Chí Minh cần tới nguồn vốn 965 nghìn tỷ đồng để đầu tư và 3.541ha đất tăng thêm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh cần có những giải pháp tổng thể như giải bài toán về quy hoạch, chính sách và quỹ đất
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch và kiến trúc TP. Hồ Chí Minh - cho biết, đầu tháng 3/2021, TP. Thủ Đức sẽ đi vào hoạt động và sẽ hình thành mô hình đô thị phức hợp như: Khu đô thị đại học, Đô thị công nghệ cao, Đô thị nông nghiệp sinh thái, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm…
Bên cạnh đó, còn hàng loạt các mô hình đô thị khác cũng đang dần hình thành xung quanh TP. Hồ Chí Minh và ở các tỉnh lân cận. Do đó, bài toán quỹ đất dành cho nhà ở thương mại và xã hội để thu hút dân cư và tập trung phát triển tại TP. Thủ Đức nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung cần được đặt lên hàng đầu.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, để giải bài toán nhà ở cho người dân TP. Hồ Chí Minh, trước mắt thành phố cần phát triển da dạng các mô hình đô thị trong thành phố và các tỉnh lân cận nhằm tăng nguồn cung nhà ở để người dân có thêm nhiều lựa chọn khi quyết định mua nhà. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với nhu cầu nhà ở của người dân theo từng khu vực, từng khu...
Đối với khu vực TP. Thủ Đức, thành phố sẽ từng bước chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại; khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê.
Ông Arnon Snapir - thành viên Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ AIA - nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh phát triển đô thị cần khắc phục tình trạng phát triển rời rạc, giảm áp lực giao thông, tìm sự phát triển hài hoà, cân đối. Trong đó, có việc đầu tư phát triển đô thị ngoại biên, phân định vai trò từng khu vực để cư dân dễ dàng tìm chọn địa điểm làm việc và sinh sống phù hợp, tránh tập trung quá đông vào một khu vực.
Trong khi đó, Chủ tịch HoREA cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần có những giải pháp tổng thể như giải bài toán về quy hoạch, chính sách và quỹ đất. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh cần vận dụng ngay một số cơ chế, chính sách mới vừa được Chính phủ sửa đổi luật như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… nhằm phát triển thị trường BĐS của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
"Năm 2021, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại và nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ là cú hích để phát triển thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh" - ông Lê Hoàng Châu dự báo.