Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ đầu năm sau dù khống chế khung làm thêm 200 giờ mỗi năm, song đã nới số giờ tối đa trong tháng lên đến 40, thay vì 30 giờ như quy định cũ.
Luật mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, gồm diêm nghiệp, điện, điện tử, bên cạnh các nghề hiện hành là sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước.
Khung giờ này còn áp dụng cho việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng kịp thời; việc thời vụ phải giải quyết cấp bách hoặc do yếu tố khách quan, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố dây chuyền; cùng một số trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Gia công xuất khẩu hàng dệt may là một trong số ngành nghề được làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm. Ảnh: Nguyệt Nhi
Trong trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào, không bị giới hạn số giờ làm thêm và người lao động không có quyền từ chối. Đơn cử khi thực hiện lệnh động viên, huy động đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các công việc bảo vệ tính mạng con người, tài sản để phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, thảm họa.
Giờ làm thêm từng là vấn đề gây tranh cãi, nhận ý kiến trái chiều trước khi Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11/2019. Khi trình dự thảo, Chính phủ đã đề nghị mở rộng khung giờ làm thêm trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ lên 400 giờ mỗi năm. Đại diện giới chủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng "đây là quy định phù hợp thực tế và nhân văn".
Song nhiều đại biểu không đồng tình, nói tăng giờ làm thêm là "đi ngược xu thế tiến bộ". Nữ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã khóc trên nghị trường, nói công nhân muốn làm thêm giờ bởi tiền lương hiện không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu, "họ không tự nguyện làm thêm, mà phải làm thêm để có thu nhập".
Quy định về giờ làm việc ban đêm giữ nguyên, tính từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Người lao động được nghỉ 45 phút khi làm ca đêm và được tính vào giờ làm việc. Song từ năm 2021, lao động làm việc ca đêm liên tục từ 6 tiếng trở lên mới được cộng số phút nghỉ này vào giờ làm việc. Thấp hơn 6 tiếng thì không được tính.
Luật sửa đổi cũng cho phép chủ doanh nghiệp sử dụng lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng làm việc ban đêm, nếu người đó đồng ý, trong khi luật hiện hành cấm.
Từ năm 2021, giới chủ khi quy định về thời giờ làm việc phải thông báo cho người lao động biết. Quyền quy định làm việc theo giờ của người sử dụng lao động được bãi bỏ, nhưng họ có quyền quyết định làm việc theo ngày hoặc tuần. Nếu làm việc theo tuần, số giờ không quá 10 tiếng mỗi ngày, không quá 48 tiếng mỗi tuần.
Luật mới không đặt ra giới hạn cụ thể thời gian làm việc nặng nhọc, độc hại, thay vào đó yêu cầu giới chủ đảm bảo giới hạn thời gian người lao động làm việc tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan. Trong khi quy định hiện hành cho phép lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 6 tiếng mỗi ngày.
Luật bổ sung bốn loại hình công việc có giờ làm việc và nghỉ ngơi riêng, do các bộ ngành quản lý tự quy định thời gian cụ thể, trên cơ sở thống nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bao gồm tin học, công nghệ tin học; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; thiết kế công nghiệp và một số việc có tính chất đặc biệt do Chính phủ quy định. Danh sách hiện hành có các việc thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, thăm dò khai thác dầu khí trên biển; công việc có tính thời vụ và gia công theo đơn đặt hàng; việc phải trực 24/24 giờ...
Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tháng 11/2019, trong kỳ họp thứ 8, khóa XIV. 435 đại biểu tán thành (tỷ lệ 90%), 9 người không tán thành và 9 người không biểu quyết. Tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ đầu năm 2021 là những điểm đáng chú ý của luật này.