Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Ghi nhận tại báo cáo thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 của Hiệp hội Bất động sản Thành phố (HoREA), hiện công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong năm 2020 đạt được một số kết quả khá tích cực, như đã hoàn thành di dời toàn bộ 6/15 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D), với 333 hộ; di dời dở dang 5 chung cư với 206/560 hộ; đã hoàn thành tháo dỡ toàn bộ 4 nhà chung cư với quy mô 14.470 m2 sàn và đã lựa chọn được chủ đầu tư cho 11 dự án xây dựng lại nhà chung cư, chỉ còn 4 dự án xây dựng lại nhà chung cư chưa lựa chọn được chủ đầu tư.
Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy, có 8 vướng mắc chủ yếu làm cản trở công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cụ thể: Thứ nhất, vướng mắc lớn nhất trong công tác xây dựng lại nhà chung cư là quy định phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư nhất trí phá dỡ nhà chung cư không thuộc loại nhà chung cư cấp D, thì quyết định này mới có giá trị (quy định tại Khoản 3, Điều 110 Luật Nhà ở); Thứ hai, vướng mắc về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ; Thứ ba, hiện chưa có quy định ưu đãi về “chỉ tiêu dân số” để đảm bảo tính khả thi của dự án và thu hút được nhà đầu tư; Thứ tư là những vướng mắc về cơ chế, chính sách tái định cư đối với chủ sở hữu nhà chung cư và các hộ khẩu ghép.
Thứ năm, đó là vướng mắc về giá bán phần diện tích chênh lệch của căn hộ tái định cư với diện tích căn hộ cũ và giá bán căn hộ tái định cư cho hộ khẩu ghép; Thứ sáu, hiện chưa có chính sách tín dụng ưu đãi đối với chủ sở hữu nhà chung cư và các hộ khẩu ghép đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, khi được hoán đổi, hoặc mua nhà tái định cư; Thứ bảy, pháp luật về nhà ở quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ, kết hợp chỉnh trang khu vực lân cận, nhưng chưa được thực thi trên thực tế.
Thứ tám, việc bãi bỏ hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) ảnh hưởng đến việc xã hội hoá, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án xây dựng lại nhà chung cư, trong lúc ngân sách nhà nước có hạn.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét, chỉ nên dừng loại hình dự án BT từ nay đến khoảng năm 2022, để trong thời gian này, thực hiện việc rà soát, xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật để đủ điều kiện khởi động lại các dự án BT kể từ năm 2023, nhằm bịt kín các lỗ hổng, không để thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách nhà nước, để huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án nhà ở xã hội; dự án nhà ở tái định cư; dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Đồng thời, xem xét bỏ quy định bất hợp lý về việc quyết định phá dỡ nhà chung cư phải được toàn bộ (100%) chủ sở hữu nhà chung cư nhất trí, vì không khả thi và không phù hợp thực tiễn.