Tiểu Z Na Na, một cô gái gốc Trung Quốc gần đây gây xôn xao trong cộng đồng mạng khi đăng ảnh phẫu thuật thẩm mỹ. Trong những bức ảnh, ngoại hình cô gái biến đổi gần như hoàn toàn. Tiểu Z Na Na cho biết cô bắt đầu thẩm mỹ từ năm 13 tuổi và đã trải qua hơn 60 cuộc phẫu thuật, bao gồm cắt mí, làm khóe mắt, làm mũi, tiêm filter cho thon gọn mặt, chưa kể hút mỡ đùi, độn cằm...
Trước khi thẩm mỹ, Tiểu Z Na Na có gương mặt "đặc trưng Trung Quốc" như đôi mắt dài và nhỏ, mũi tẹt, răng hơi "hô". Năm 13 tuổi, tự cho rằng mình không xinh đẹp, Na Na rất tự ti, thậm chí không chịu đi học vì bị chê xấu. Cuối cùng, cha mẹ phải cho cô bé đi sửa mũi.
Đến nay, cô gái này đã "nghiện phẫu thuật thẩm mỹ". Cô liên tục chạy theo các mốt mới, các chuẩn đẹp mới như độn cằm nhọn, làm trán cao... Quá nhiều các lần "dao kéo" đã khiến cô gái biến dạng đến mức không nhận ra. Nhiều người chê cô "thà để như cũ còn hơn". Tiểu Z Na Na rất hạn chế ra ngoài, vì mỗi lần xuất hiện, cô đều bị đàm tiếu.
Câu chuyện "nghiện phẫu thuật thẩm mỹ" như Na Na gần đây xuất hiện khá nhiều và đã để lại những hệ lụy nặng nề cho một số người. Theo các chuyên gia, cha mẹ không nên cổ súy cho con phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình, mà nên bồi đắp cho con sự tự tin vào bản thân. Có 4 điều cần phải lưu ý, khi thấy con mình có những khiếm khuyết về ngoại hình và dần trở nên tự ti:
Dùng 'lời nói dối vô hại'
Nhiều trẻ em kém tự tin vào bản thân, thậm chí có gu thẩm mỹ không lành mạnh, xuất phát từ việc bị chọc ghẹo quá nhiều về ngoại hình. Ví dụ, một em bé răng "hô", hay mắt nhỏ có thể bị bạn học dành những lời lẽ không hay, thậm chí đặt biệt danh, khiến trẻ nảy sinh tâm lý xấu hổ, kém tự tin. Trong khi đó, người lớn vô tâm có thể trêu đùa, khiến trẻ bị tổn thương.
Trong trường hợp này, cha mẹ có thể dùng những lời nói dối vô hại (white lie) để xoa dịu trẻ mà không gây ra tác động xấu. Ví dụ, khi trẻ bị chê mắt híp, mẹ có thể nói rằng đôi mắt con "chỉ nhỏ xinh", hoặc hướng tới những ưu điểm của trẻ, ví dụ như: mẹ thấy con có đôi chân dài, miệng tươi tắn... Bạn cũng nên cho trẻ hiểu mình yêu con vì chính những đặc điểm đó. Nên khen ngợi những điểm mạnh của trẻ và tạo cho trẻ sự tự tin về ngoại hình của mình. Ngoài ra, bản thân cha mẹ không được đùa cợt về ngoại hình của con cái bằng cách dành đủ sự tôn trọng cho chúng.
Hãy để trẻ tập trung vào những mặt tốt của bản thân, từ đó mạnh dạn hơn và sẵn sàng khai thác các thế mạnh của mình. Khi thấy con tiến bộ, cha mẹ càng nên khuyến khích. Trong quá trình đó, đừng quên nói "Bố/mẹ tin con", bạn cho con thấy sự yêu thương và hỗ trợ đặc biệt của mình dành cho trẻ.
Hướng trẻ đến việc tập trung vào vào việc trau dồi kiến thức
Con người sinh ra ai cũng có những khuyết điểm nhất định về ngoại hình, không ai là hoàn hảo. Vì thế, cha mẹ hãy hình thành cho con một gu thẩm mỹ lành mạnh và nhắc nhở con chú ý đến nội lực và sức mạnh toàn diện của mình.
Bà Amira Freidson, người sáng lập Namaste Kid - một trung tâm chăm sóc trẻ của Anh – chia sẻ: "Gợi ý của tôi khi khen trẻ là khen ngợi nỗ lực, thay vì vẻ đẹp bề ngoài". Huấn luyện viên nuôi dạy con cái Sarah Hamaker, người Anh thì cho biết: "Tôi thấy tập trung vào những đặc điểm tính cách của một đứa trẻ tốt hơn nhiều so với việc tập trung vào ngoại hình, bởi vì nó có thể khuyến khích một đứa trẻ trau dồi những đặc điểm tích cực đó".
Nhà trị liệu Kimberly Hershenson khuyên các phụ huynh: "Hãy chỉ ra những khía cạnh tích cực trong hành vi, tài năng, lòng tốt và tính cách của con bạn hàng ngày. Điều đó sẽ mang lại cho chúng sự chú ý tích cực và củng cố những hành vi đó".
Nuôi dưỡng sở thích của trẻ
Nuôi dưỡng sở thích cho trẻ là một cách rất thiết thực, một mặt có thể chuyển hướng sự chú ý của trẻ, mặt khác cũng có thể giúp trẻ khám phá ra lợi thế của bản thân so với những người khác. Nhờ thế, trẻ có thể giảm bớt sự thất vọng do ngoại hình kém.