Theo Bộ Công Thương, trước khi EVFTA có hiệu lực, sữa nhập khẩu (NK) từ châu Âu chịu thuế suất từ 5 - 15%, nhưng từ đầu tháng 8/2020, toàn bộ các sản phẩm sữa NK từ thị trường này vào Việt Nam sẽ giảm theo lộ trình về 0% trong 3 năm. Điều này dấy lên lo ngại về việc cạnh tranh giữa sữa NK và sữa sản xuất trong nước.
Về vấn đề này, các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI - cho biết, sữa là một trong những ngành phát triển nhất châu Âu, hàng năm sản lượng sữa từ châu Âu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng sữa trên thế giới và thị trường này đang áp dụng triệt để các biện pháp bảo hộ để bảo vệ ngành sữa. Với Việt Nam, hiện các sản phẩm sữa chưa được phép xuất khẩu vào châu Âu, song nước ta NK phần lớn sữa từ thị trường này.
Chính vì thế, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã cảnh báo, những năm tới, thuế giảm kim ngạch NK sữa của Việt Nam sẽ tăng mạnh, NTD có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ hơn, song các DN sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt.
Dù vậy, Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, cạnh tranh chưa đáng lo vì thuế NK sữa và các sản phẩm sữa từ EU được giảm dần theo lộ trình giúp DN Việt gia tăng cạnh tranh trên sân nhà về nguyên vật liệu. Cụ thể, đối với Vinamilk, tỷ lệ NK nguyên, vật liệu từ châu Âu khoảng 10%, bao gồm bột sữa gầy và bột sữa chưa tách béo. Thuế NK các mặt hàng này trước EVFTA là 5%, bắt đầu từ 1/8/2020 được giảm xuống 2,2% và giảm dần về 0% sau năm 2022. Như vậy, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ được cải thiện từ việc này, giúp DN gia tăng cạnh tranh về giá sản phẩm.
Với Nutifood, ngay khi EVFTA có hiệu lực cũng là thời điểm DN ra mắt thị trường sữa tươi chất lượng cao với 3,5g đạm và 4g béo trong 100ml - tương đương chất lượng sữa tươi ngoại nhập.
Sức ép sữa ngoại là động lực để ngành sữa trong nước cải tiến công nghệ sản xuất, cho ra mắt những dòng sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý để cạnh tranh trên “sân nhà”.