Ngày đầu 2021, TPBank là ngân hàng (NH) đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 2020. Kết thúc 2020, tổng tài sản của NH đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ tăng trưởng khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019.
Nhờ tiết giảm chi phí, hưởng lợi từ ngân hàng số nên dù gặp nhiều tác động từ Covid-19 và giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng, lợi nhuận trước thuế của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch. NH duy trì được hiệu quả kinh doanh cao khi chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%...
TPBank là một trong các NH dẫn đầu về hoàn thành sớm cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II giúp tăng cường quản trị rủi ro. Kết thúc năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của TPBank chỉ ở mức 1,14%, thấp hơn năm 2019. Hệ số an toàn vốn (CAR) tính đến cuối năm 2020 ở mức 12,8%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo chuẩn Basel II.
Con số sơ bộ từ ABBank cho biết, tính đến hết 30/11/2020, lợi nhuận trước thuế đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm, vượt kế hoạch lợi nhuận ĐHCĐ đề ra.
Các của ABBank ghi nhận chỉ tiêu kinh doanh tín hiệu tích cực với tổng tài sản đạt 92.337 tỷ đồng. Tổng huy động đạt 72.013 tỷ đồng; cho vay đạt 65.048 tỷ đồng, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của ABBank vẫn được giữ ổn định với RoE đạt 18,28%; RoA đạt 1,6%; chỉ số an toàn vốn CAR đạt 10,64%.… Tính đến hết 30/11/2020, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ ở mức 2,32%.
Trước đó, trong ngày chốt cuối cùng của 2020, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, đã hoàn tất 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn. Với mốc này, SHB không chỉ đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB - cho biết: "Ngay sau đây, SHB dự kiến sẽ đầu tư hướng tới chuẩn mực Basel III tạo nền tảng kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả".
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng kịp hoàn thành 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn vào 31/12/2020. LienVietPostBank bắt đầu thực hiện triển khai Basel II từ năm 2017. Việc hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn giúp LienVietPostBank trong việc hướng tới chuẩn mực quản trị rủi ro tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế và hướng tới Basel III.
Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II về hệ thống quản trị ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế. NH này cũng vừa hoàn thành tăng vốn lên hơn 16.088 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.
Trong một diễn biến khác, làn sóng các NH niêm yết trên các sàn chứng khoán tiếp tục nhộn nhịp.
Ngày 30/12, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã chấp thuận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu của SeABank với mã chứng khoán SSB. Trước đó, hơn 1 tỷ cổ phiếu của OCB đã được chấp thuận niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán HOSE , tương ứng với vốn điều lệ là 10.959 tỷ đồng.
Cổ phiếu SSB và OCB dự kiến sẽ chính thức giao dịch trên HoSE vào đầu năm 2021.
Trước đó, hơn 708 triệu cổ phiếu tương đương giá trị 7.085 tỷ đồng của ngân hàng Bắc Á sẽ chuyển từ UPCoM lên niêm yết HNX.
Một xu hướng được các NH đẩy mạnh trong 2021 là đầu tư chuyển đổi số. Theo đại diện TPBank, trong bối cảnh môi trường kinh doanh bị xấu đi bởi dịch Covid-19, chiến lược ngân hàng số và sáng tạo càng trở nên quan trọng, giúp NH có thể duy trì hoạt động gần như bình thường trong thời kỳ dịch bệnh, đồng thời cũng là giải pháp cứu cánh cho ngành NH trong giai đoạn đầy thách thức này.
Tại TPBank, năm 2020, số lượng tài khoản và thẻ mở mới qua hệ thống LiveBank đã tăng gấp 4 lần năm 2019, CASA tăng gấp 5 lần và các máy LiveBank xử lý hơn 7 triệu giao dịch, tăng 130%. Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi số, năng suất lao động bình quân của một nhân viên đã tăng gấp 5 lần so với năm 2016, đạt gần 800 triệu lợi nhuận/1 nhân viên. Đặc biệt, chỉ số chi phí trên thu nhập hoạt động thuần (CIR) cũng được giảm xuống mức 39.69%, mặc dù trong vài năm qua NH đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư cho ngân hàng số.
ABBank cũng cho biết, năm 2020, NH đã chú trọng đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ theo xu hướng chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu số hóa chi tiêu ngày càng đa dạng của khách hàng. Bên cạnh sự xuất hiện của chiếc thẻ điện tử thì thiết kế giao diện mới của AB Ditizen đã được cải tiến theo hướng cá thể hóa mạnh theo nhu cầu người dùng và thay đổi giao diện theo khung thời gian.
“Có thể nói, Covid-19 vô hình trung như một “cú huých” trăm năm thúc đẩy người Việt cùng nhau bước lên không gian số. Nhờ đi đầu trong ứng dụng số hóa, chúng tôi đã “đón đầu” làn sóng di dân đó, đáp ứng được mọi nhu cầu, thói quen tiêu dùng tài chính mới của khách hàng và hoàn thành mục tiêu đề ra.”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ.