Được gắn mác to như vậy nhưng thực chất họ chỉ đóng vai trò bù nhìn, hoàn toàn không biết hoạt động của công ty do mình đứng tên. Cho đến khi công ty bị pháp luật "sờ" đến, họ mới giật mình biết đã vi phạm pháp luật.
Bỗng dưng thành... giám đốc
Đó là những giám đốc trong vụ buôn lậu hàng nghìn tấn thuốc Bắc do anh em Lâm Đình Hưng, Lâm Đình Hoài ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội cầm đầu. Năm 2014 Lâm Đình Hưng cùng với anh trai là Lâm Đình Hoài thuê một số người làm giám đốc để lập nhiều công ty vận chuyển thuê hàng hóa từ cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) về Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho các chủ hàng.
Một trong những giám đốc thuê mà Hưng và Hoài dựng lên đó là Nguyễn Thạc Hậu, SN 1974, ở xóm 8, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Hậu là anh họ của Hưng và Hoài, vốn không có việc làm, lại ham ăn chơi nên nợ nần nhiều. Chính vì vậy, khi Hưng và Hoài nói chuyện muốn "mời" Hậu làm việc, Hậu đồng ý ngay.
Hậu và anh em Hưng, Hoài thống nhất sẽ đứng ra thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ninh Hiệp và cho Hậu làm giám đốc. Việc điều hành hoạt động của công ty do Hưng và Hoài thực hiện, mục đích thành lập công ty là nhập khẩu hoa quả khô, nếu thuận lợi sẽ xếp thuốc Bắc lẫn trong hoa quả khô. Mức lương Hậu được hưởng là 15 triệu đồng/tháng, cuối năm trả 1 lần, nếu cần ký giấy tờ gì liên quan đến công ty thì Hưng sẽ đưa cho Hậu ký.
'Nghề' giám đốc thuê: danh hão, tù thật
Giám đốc "thuê" Nguyễn Việt Hà trong vụ án Phạm Công Danh.
Thấy không phải làm gì mà hàng tháng có tiền, Hậu đồng ý ngay, đưa giấy tờ cho Hưng để thành lập công ty. Không biết công ty sẽ làm gì, có những nhân viên nào, kinh doanh thế nào nhưng được làm giám đốc, Hậu thấy vui vì vừa có danh vừa có tiền để trả ngân hàng. Thi thoảng Lâm Đình Hưng đưa cho Hậu 1 số tờ giấy bảo Hậu ký. Trong số đó, có những tờ giấy trắng chưa có nội dung, Hậu cũng ký, có những bản đã có chữ, nội dung nhưng Hậu không đọc, không biết nội dung gì nhưng vẫn ký.
Một giám đốc bù nhìn khác cũng vừa mới bị bắt trong vụ nâng khống giá thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai là Ngô Thị Thu Huyền, SN 1983, ở Tây Tựu, Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Huyền xin vào làm tại Công ty Cp Thiết bị y tế BMS do Phạm Đức Tuấn làm Giám đốc. Sau một thời gian làm việc, Tuấn cho Huyền làm Phó Giám đốc để đi ký kết các hợp đồng.
Do cần các "sân sau" để phục vụ Công ty BMS kinh doanh thiết bị y tế, Tuấn tiếp tục thành lập một số công ty mới như Công ty Health Sciences, Công ty Cp Y tế kỹ thuật cao... và cho Huyền làm Giám đốc. Các công ty trên đều do Tuấn trực tiếp điều hành, Huyền không có tiền để góp cổ phần nhưng vẫn được 15% cổ phần. Công việc của Huyền và các nhân viên chỉ đơn giản là tiếp nhận báo giá hệ thống y tế, vật tư từ Công ty BMS (đại lý cấp 1) và xây dựng báo giá (đại lý cấp 2) gửi cho các đối tác theo chỉ đạo của Tuấn.
Cũng nhờ các "sân sau" này mà máy robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng đã được "đội" lên thành 39 tỷ đồng. Chính vì giá máy tăng lên gấp 5-6 lần thực tế như vậy nên tiền phẫu thuật bằng robot Rosa cũng gấp gần 6 lần so với giá trị thực, từ hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu 36 triệu đồng/ca, trong đó hơn 23 triệu đồng/ca là để khấu hao robot phẫu thuật, hưởng chênh lệch tới hơn 16,5 triệu đồng/ca. Từ tháng 4-2018 đến tháng 5-2020, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán cho Công ty BMS tổng số tiền là hơn 16,7 tỷ đồng (cao hơn gấp đôi số tiền Công ty BMS nhập thiết bị).
Trong các đại án của ngành ngân hàng mới đây, hàng loạt lái xe, bảo vệ của Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB đã phải ra trước vành móng ngựa chịu trách nhiệm cho các hành vi của mình. Điển hình là Hoàng Thị Hồng Tứ (diễn viên Quỳnh Tứ), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BSC.
Công ty BSC vốn là "sân sau" của Hà Văn Thắm - nơi Hà Văn Thắm "phù phép" các món tiền chiếm đoạt được từ Oceanbank. Tứ tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, không có trình độ chuyên môn về tài chính ngân hàng, được Hà Văn Thắm tuyển dụng vào Ngân hàng Đại Dương làm giúp việc hành chính văn phòng cho Hội đồng quản trị.
Sau khi lập Công ty BSC, Tứ được Hà Văn Thắm "nhờ" đứng tên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và đại diện trước pháp luật. Trên thực tế, mọi hoạt động của công ty này đều do Hà Văn Thắm chỉ đạo và quyết định. Cơ quan điều tra đã xác định việc bà Tứ ký 78/726 hợp đồng dịch vụ, thu số tiền hơn 14 tỷ đồng do các hợp đồng đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi Tứ là người đại diện BSC nên Tứ phải ký để hoàn thiện mà không biết bản chất và mục đích của hợp đồng.
Hối hận thì đã muộn
Điểm chung của những giám đốc thuê trên là không có nghiệp vụ, thiếu hiểu biết pháp luật nhưng hám lợi. Có thể họ biết hoặc không biết rằng, đằng sau những chữ ký của mình là trách nhiệm trước pháp luật.
Điển hình nhất là nhóm 5 đối tượng nguyên là giám đốc các doanh nghiệp nhập lậu vải gồm: Lê Hùng - nguyên Giám đốc Công ty Lạc Hùng; Nguyễn Văn Thảnh - nguyên Giám đốc Công ty Tuấn Ngân; Trần Thị Lan Anh - nguyên Giám đốc Công ty H.G; Phạm Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty Thanh Nghĩa; Nguyễn Đình Chương - nguyên Giám đốc Công ty Phương Tâm đã bị tuyên án từ 4-10 năm tù giam cùng về tội “Buôn lậu”.
Vụ án liên quan đến Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây Dựng VN - VNCB có 11 giám đốc là lái xe, bảo vệ.
Trong năm 2003-2004, nhóm doanh nghiệp này tham gia đường dây buôn lậu vải của Phạm Hoàng Sơn (đang bị truy nã) đã lập hợp đồng gia công hàng may mặc "khống" để nhập 5,8 triệu mét vải nguyên liệu (trị giá hơn 62 tỷ đồng), rồi lén lút tiêu thụ trong nước gây thất thu thuế hàng chục tỷ đồng. Từ năm 2000 đến năm 2004, Phạm Hoàng Sơn đã thành lập 7 doanh nghiệp may mặc, trong đó một số doanh nghiệp do Sơn thuê người đứng tên thành lập rồi ký hợp đồng gia công quần áo cho đối tác nước ngoài để nhập vải ngoại về Việt Nam theo phương thức tạm nhập, tái xuất (tạm nhập vải nguyên liệu, may gia công, rồi tái xuất quần áo thành phẩm). Tuy nhiên, số vải nguyên liệu "tạm nhập" được lén lút tiêu thụ trong nước. Sau đó, Sơn "mượn" quần áo thành phẩm của Công ty TNHH Hương Thám để "tái xuất", thanh lý những hợp đồng gia công.
Như vậy, mặc dù chỉ làm thuê, không trực tiếp điều hành công việc, cũng không được hưởng lợi bao nhiêu ngoài mức lương hành chính ít ỏi nhưng trách nhiệm của các giám đốc thuê thường rất lớn bởi các hành vi đồng phạm với đối tượng chính.
Bi hài không kém đó là trường hợp Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật, thiết bị y tế Bảo Trân, có trụ sở ở phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) Trần Thị Ánh Hồng. Hồng là người miền Tây, làm tiếp viên ở nhà hàng. Công việc của Hồng là tiếp khách, ngồi bàn rót bia phục vụ.
Vì có vẻ bề ngoài xinh đẹp, dễ thương nên Hồng được khá nhiều đại gia quý mến, cho nhiều tiền và thường xuyên được yêu cầu ngồi cùng bàn mỗi khi họ đến ăn. Trong số những người này, có một đại gia trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế. Sau một thời gian thân thiết, bao bọc cho Hồng, ông này "mời" Hồng làm giám đốc công ty của mình.
Theo lời ông này thì cho Hồng làm vị trí giám đốc là vì yêu thương Hồng, tạo điều kiện cho Hồng đổi đời, rũ bỏ phận tiếp viên. Cô tiếp viên trẻ tuổi say trong tình, tiền, tưởng rằng người tình thực sự tốt với mình nên vui vẻ đứng tên Giám đốc Công ty Bảo Trân mà không hề biết gì về kinh doanh, càng không hiểu về việc nhập khẩu thiết bị y tế. Mọi công việc đã có người khác lo, Hồng chỉ việc ăn mặc diện, đi xe sang đến ký hợp đồng mua bán các loại thiết bị y tế. Công việc kinh doanh tưởng chừng không gì thuận lợi hơn bởi cứ ký tên là có tiền, mà tiền rất nhiều khiến Hồng hoa mắt về cuộc sống giàu sang không ngờ mà đến.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang khi Công ty Bảo Trân bị "sờ gáy", hàng loạt sai phạm về việc bán thiết bị y tế đã qua sử dụng lộ diện, Hồng bị bắt, vỡ mộng giám đốc.
"Đại án" ngân hàng do Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB cũng có 11 người là lái xe, bảo vệ cũng được làm giám đốc, đứng vay tiền của TP Bank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, được VNCB bảo lãnh các khoản vay trên, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.
Nữ tiếp viên Ánh Hồng với lô thiết bị y tế nhập lậu.
Điển hình như Trần Văn Bình, là lái xe ô tô, được Phạm Công Danh cho làm Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung. Bình khai "không biết gì hết" từ việc công ty phát hành trái phiếu đến các giấy tờ liên quan đến công ty, việc làm Tổng Giám đốc là vì "nể nang" ông Phạm Công Danh có lời nhờ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Tương tự, Hà Văn Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đại Phát Việt Nam) cũng không biết gì, không hiểu gì nhưng đã ký hợp đồng vay 170 tỷ đồng tại TP Bank, đảm bảo bằng tiền gửi của VNCB tại TP Bank và ký hợp đồng mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh; ký ủy nhiệm chi chuyển 170 tỷ đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Đỗ Phương Nam cũng là lái xe, được làm Phó Giám đốc với mức lương 5 triệu đồng/tháng, được ký hợp đồng mua trái phiếu, vay mượn hàng trăm tỷ đồng. Đỗ Minh Thủy (Giám đốc Công ty Đức Long) cũng cho biết, vào làm công ty Đức Long với mức lương 7 triệu đồng/tháng, sau đó được nhờ đứng tên làm Giám đốc Công ty Đức Long nhưng Thủy không biết công ty hoạt động kinh doanh gì, vốn bao nhiêu, không được hưởng lợi gì...