Nhiều dư địa để phát triển
Tại toạ đàm "Phú Quốc đón vận hội - dẫn lối thành công", diễn ra ngay sau Lễ công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc đã ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế, chuyên gia quy hoạch, đại diện các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), các đơn vị lữ hành… với các đề xuất, giải pháp để Phú Quốc phát huy được lợi thế nội tại, đón nguồn lực đầu tư lớn. Đặc biệt trong những lĩnh vực mũi nhọn như du lịch, BĐS gắn với du lịch…ở thành phố đảo đầu tiên của nước ta.
Đánh giá về BĐS tại Phú Quốc hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng Phú Quốc được quy hoạch rất tốt trên hành trình phát triển từ huyện đảo lên thành phố. Tuy nhiên cũng như nhiều nơi từ nông thôn lên thành phố phải đầu tư mới tạo ra giá trị chứ không phải tự nhiên mà có.
Bước tiến về cơ sở hạ tầng tại Phú Quốc (Nguồn CBRE) |
Ông Đính cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển đầu tư theo quy hoạch. Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam thẳng thắn nêu lên thực tế từ “cú ngã” năm 2018 ngay tại thị trường Phú Quốc của nhiều nhà đầu tư bất động sản.
“Phú Quốc có bài học đắt giá trong cơn sốt đất giai đoạn 2015-2018 rất nhiều nhà đầu tư không theo quy hoạch nên thị trường nóng đột biến trở thành thị trường ảo, bong bóng nên thị trường đổ vỡ cũng rất nhanh. Phú Quốc phải trả giá từ 2018-2020 thị trường gần như đi vào trầm lắng đặc biệt trong dân chúng. Nhưng giữa sự đổ vỡ ấy những bất động sản tuân thủ quy hoạch vẫn cuốn hút nhà đầu tư như các dự án của các nhà đầu tư lớn có quy hoạch và kế hoạch phát triển. Và hiện nay giá trị vẫn tiếp tục gia tăng” – ông Đính nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, sau thời gian phát triển nóng giá BĐS liên tục bị đẩy lên cao đến giữa năm 2018 thị trường đã phát triển chậm lại và có dấu hiệu đi ngang. Nhiều nhà đầu tư ồ ạt mua vào thời điểm "sốt đất" rơi vào cảnh đu đỉnh, thua lỗ. Cuối năm 2018 nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ 30-40% để rút ra thị trường nhưng đến nay vẫn còn không ít nhà đầu tư mắc kẹt, gánh lỗ vì không thể thoát hàng.
Nhìn nhận từ thực tế này, chuyên gia BĐS cho rằng nguyên nhân là do thời điểm đó nhà đầu tư ồ ạt tranh mua trong cơn sốt đất nên mua phải nhiều lô đất không có quy hoạch, pháp lý rõ ràng. Cùng với đó việc xuống tay trong giai đoạn giá cao ngất ngưởng khiến khoản tiền đầu tư ban đầu quá lớn thậm chí có nhà đầu tư rót vào đây cả trăm tỷ đồng khiến việc cắt lỗ để thoát hàng cũng không mấy khả thi.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá việc Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc là một lợi thế nhưng thị trường khó có thể sốt nóng trở lại do lượng sản phẩm có vị trí tốt rất hạn chế và phần nhiều đã thuộc về tay các chủ đầu tư lớn.
Ông Đính cũng nhìn nhận thực tế trên và cho biết tại thị trường Phú Quốc hiện quỹ đất đã được phân bổ cho các doanh nghiệp đến từ trước, cơ hội cho doanh nghiệp đến sau đang khó dần vì quỹ đất khan hiếm.
"Hiện nay cơ hội nhà đầu tư mua BĐS Phú Quốc đang rộng mở. Đối với những khu vực được đầu tư bài bản như Nam Phú Quốc 3-5 năm nữa cùng với việc vận hành khai thác hiệu quả giá trị BĐS sẽ tăng lên theo việc khan hiếm. Tôi lấy ví dụ như các quận trung tâm TP. HCM và Hà Nội giá lên đến cả tỷ đồng/m2 nhưng chưa chắc đã có sản phẩm bán. Phú Quốc sau này cũng vậy khi quỹ đất đẹp đang cạn dần nhà đầu tư sẽ lựa chọn những BĐS có giá trị gia tăng vì khan hiếm và vì khả năng khai thác " - ông Đính nói.
Về các sản phẩm đầu tư ông Đính cho rằng khu vực Nam đảo Phú Quốc đang phát triển theo loại hình sản phẩm du lịch trong đô thị, pháp lý ổn định với sổ đỏ lâu dài thu hút nhà đầu tư mạnh mẽ. Trong khi đó loại hình căn hộ condotel với pháp lý chưa rõ ràng vẫn cần thời gian hoàn thiện khung pháp lý.
Đồng quan điểm với vị Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam bà Đặng Thu Hằng - Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng tiềm năng phát triển của Phú Quốc rất lớn. Thị trường BĐS Phú Quốc có sự khác biệt so với Đà Nẵng và Nha Trang. So với các thị trường nghỉ dưỡng đã phát triển BĐS Phú Quốc còn khá non trẻ vì thế giá còn thấp, tiềm năng gia tăng giá trị lớn, cơ hội đầu tư nhiều.
Phú Quốc không còn là sân chơi của những người đầu cơ, nhà đầu tư lướt sóng. Đầu tư phải đảm bảo theo đúng quy hoạch tránh “cú ngã” trong giai đoạn phát triển nóng trước đây |
“Tôi nhận thấy đầu tư vào BĐS Phú Quốc trong giai đoạn này đặc biệt tại những khu vực có hệ sinh thái được đầu tư bài bản đã bắt đúng sóng, hứa hẹn tiềm năng phát triển trong tương lai” – bà Hằng nêu ý kiến.
Các chuyên gia đều cho rằng, các nhà đầu tư đã đầu tư tỉnh táo hơn, thị trường cũng đã đi qua những mức đỉnh của thời kỳ đu giá nóng sốt nên dù được thúc đẩy bởi những thông tin tích cực thị trường cũng tăng trưởng trong sự bền vững hơn. Thị trường BĐS Phú Quốc sẽ phát triển theo hướng thực tế và ổn định lâu dài, không có chuyện tăng giá nhanh và cao như các đợt sốt đất trước.
Cũng theo bà Hằng khu vực Dương Đông và An Thới là hai trung tâm của Phú Quốc. Đặc biệt, khu vực An Thới nằm ở phía Nam đảo đang nổi lên như một trung tâm BĐS mới của Phú Quốc với những sản phẩm BĐS nằm trong hệ sinh thái du lịch – nghỉ dưỡng hoàn chỉnh. Đây là những sản phẩm sẽ gia tăng sức hút và có tốc độ tăng giá mạnh, bền vững so với những bất động sản nằm độc lập, riêng lẻ.
Không còn là sân chơi của nhà đầu cơ, lướt sóng
Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh - Phó Tổng giám đốc thường trực Sun Property Group đánh giá hiện đang có tình trạng các đô thị phát triển nóng, người dân tự tìm mua đất để xây dựng nhà ở, tình trạng phân lô - bán nền diễn ra... khiến đô thị phát triển như một "vết dầu loang". Để không lặp lại sai lầm và vươn tới tầm vóc của những đô thị đảo quốc tế, Phú Quốc cần tiếp thu cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của những "người anh hùng" đi trước, trong đó mô hình Singapore có thể áp dụng.
Theo bà Linh, khi nhắc đến BĐS tại Phú Quốc, thì giờ đây chắc chắn mọi người đều có thể nói rằng Phú Quốc không còn là sân chơi của những người đầu cơ, không còn là sân chơi của những nhà đầu tư lướt sóng. Khi lựa chọn đầu tư vào BĐS Phú Quốc những nhà đầu tư mong muốn đầu tư lâu dài, đầu tư vào sự phát triển bền vững.
Nêu ý kiến tại hội thảo, KTS Hồ Thiệu Trị - Tổng Giám đốc HTT Group đề xuất Phú Quốc không chỉ là một thành phố du lịch mà phải là thành phố đa năng. Trước hết, Phú Quốc cần là một thành phố biển đảo, thành phố cảng là một trung tâm kinh tế tài chính quốc tế.
Ông Trị cũng cho rằng, Phú Quốc nên trở thành một thành phố lễ hội với hoạt động 24/24 giờ, định hướng là một thành phố sinh thái - xanh và thông minh để tạo đà phát triển cho "đảo ngọc".
"Về phương diện quy hoạch chúng ta phải xác định các bộ tiêu chí xanh và xác định bộ tiêu chí thông minh tạo điều kiện vừa tăng dân số, dịch vụ thương mại vừa giúp cho tất cả cơ sở du lịch có điều kiện phát triển đồng bộ. Trong khi đó các tính chất chỉ tiêu về xanh, môi trường cần phải được nghĩ tới, bảo quản và làm thêm để đạt được chỉ tiêu thành phố sinh thái du lịch. Đồng thời chỉ tiêu thông minh cũng phải được đưa vào để đạt được mục tiêu cho tầm nhìn năm 2050" - ông Trị nêu ý kiến.
Nhấn mạnh về vấn đề quy hoạch trong quản lý đô thị, ông Bùi Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang khẳng định việc quy hoạch phải đi đầu. Theo ông Thái, đối với Phú Quốc qua nhiều năm phát triển đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch định hướng và tầm nhìn đảm bảo khung pháp lý cũng như xu hướng phát triển trên thế giới.
“Tại phía Nam Đảo có hình thành một khu quy hoạch phân khu của đô thị An Thới với các khu chức năng đầy đủ và quy hoạch chi tiết của các nhà đầu tư để triển khai thực hiện. Đến nay khu vực Nam Đảo đã đảo bảo tính pháp lý và đi đúng định hướng đã có những sản phẩm đẹp và đẳng cấp. Điều này càng cho thấy việc phát triển theo đúng quy hoạch kế hoạch” – ông Thái nói.
Ông Thái cũng cho biết sắp tới toàn bộ các bãi biển sẽ phải có quảng trường công cộng để người dân tiếp cận tự do theo quy hoạch để không để tình trạng các doanh nghiệp cát cứ bãi biển làm của riêng.
“Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung kết nối đường giao thông chính xuống tới bãi biển và hình thành các quảng trường dọc bãi biển theo đúng tinh thần không gian ven biển là công cộng” – ông Thái khẳng định.