Doanh nghiệp đầu ngành Vinamilk (HoSE: VNM) trở lại với mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trong quý III. Cụ thể tổng doanh thu quý III dự kiến tăng 9% đạt 15.561 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16% đạt 3.106 tỷ đồng.
Như vậy sau 9 tháng, công ty ước doanh thu và lợi nhuận đều tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 45.277 tỷ và 8.967 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi 10.690 tỷ đồng năm 2020, doanh nghiệp đã đạt tiến độ gần 84%.
Chứng khoán BSC mới đây đã tăng dự phóng lợi nhuận năm 2020 của Vinamilk lên 6,8% đạt 11.300 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ sự cải thiện biên lợi nhuận gộp từ GTNfoods, cắt giảm chi phí quảng cáo, doanh thu tài chính tăng.
Mộc Châu Milk dưới sự quản lý của Vinamilk cũng tăng tốc đáng kể. Doanh thu thuần quý III tăng 14% lên 775 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 34,6%, cải thiện mạnh so với mức 18-19% các năm trước đây nhưng vẫn kém biên lãi gộp của Vinamilk (trên 45%).
Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp quý III tăng 113% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 102 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải kết quả này đến từ công tác quản trị chi phí hiệu quả, các chính sách hỗ trợ nhà phân phối, hỗ trợ khách hàng với giá bán hợp lý khiến người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm Mộc Châu Milk tăng.
Doanh thu lũy kế 9 tháng tăng gần 10% lên 2.142 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 69% đạt gần 209 tỷ đồng và vượt 33% kế hoạch năm. Mộc Châu Milk đã mạnh tay chi cho các chương trình hỗ trợ và quảng cáo với gần 370 tỷ đồng, gấp đôi so với 9 tháng năm 2019.
Từng thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016 - 2018, Sữa Quốc tế (IDP) bất ngờ lột xác khi liên tiếp có lãi từ 2019 đến nay. Báo cáo quý III cho thấy biên lợi nhuận gộp lên đến 41,7%, xấp xỉ với Vinamilk dù không có lợi thế về quy mô như doanh nghiệp đầu ngành sữa.
Lợi nhuận sau thuế quý III gấp 4,2 lần cùng kỳ đạt gần 159 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng gấp 3,3 lần cùng kỳ đạt hơn 309 tỷ đồng. Tuy nhiên do yếu tố quá khứ, lỗ lũy kế của Sữa Quốc tế vẫn còn ghi nhận gần 270 tỷ đồng.
Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004 với thương hiệu nổi tiếng Sữa Ba Vì, Love’in Farm. Quy mô doanh thu thuần không quá lớn khi chỉ đạt gần 2.828 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Công ty từng được đầu tư bởi VinaCapital và Tập đoàn Daiwa vào năm 2014.
Sang năm 2019, nhóm nhà đầu tư cũ đã nhường lại "cuộc chơi" cho các chủ mới khi Blue Point tăng tỷ lệ sở hữu lên 80% vốn và Chứng khoán Bản Việt mua vào 15% cổ phần. Doanh nghiệp có 2 thành viên HĐQT mới là ông Tô Hải (Tổng giám đốc VCSC) và ông Hồ Sĩ Tuấn Phát (Tổng giám đốc Lothamilk).
Hanoimilk (UPCoM: HNM) cũng có lãi trở lại trong quý III với con số khiêm tốn 847 triệu đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần tăng 90% đạt 58 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức 26,8%.
Tính lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 23% lên mức 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ thương hiệu IZZI vẫn còn lỗ 5,2 tỷ đồng và kéo lỗ lũy kế lên 28 tỷ đồng tại cuối tháng 9.
Được thành lập từ năm 2001, Hanoimilk từng là một thế lực lớn trong ngành sữa Việt Nam, với thời kỳ huy hoàng 2006-2007 nhờ dòng sản phẩm IZZI. Tuy nhiên, biến cố melamine năm 2008 và những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả khiến doanh nghiệp lún sâu vào khủng hoảng và thua lỗ, bị các đối thủ lớn ngày càng bỏ xa về quy mô. Doanh nghiệp đã quay đầu có lãi trở lại trong 2 năm gần đây.
Nhận định về triển vọng ngành sữa, các chuyên gia từ SSI Research cho rằng các sản phẩm sữa trong nước ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 so với các mặt hàng FMCG. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sữa từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng và giá bán trung bình sẽ không tăng trong năm 2021.
Mặc dù các thương hiệu trong nước đang thống lĩnh thị trường, SSI Research dự báo cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài vẫn hiện hữu do Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ loại bỏ các mức thuế đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong các năm tới.