Anh Đ.M.Tú - nhân viên giao hàng (trú xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) - kể lại: Sáng 13.1, anh nhận được được cuộc gọi từ số máy 02822000190 của một người tự xưng là Hải làm ở ngân hàng. Qua trao đổi điện thoại, thanh niên này mời chào, “do anh vay trả góp tốt nên được ưu đãi thêm vay tiền mặt 70 triệu đồng với lãi suất hấp dẫn 1%/ tháng”. Thấy mức trả hợp lý và cũng đang cần tiền để trả nợ nên anh Tú đồng ý vay.
Anh Tú cho biết, lúc sau, Hải tiếp tục gọi lại thông báo hồ sơ đã được ngân hàng duyệt. Trong sáng cùng ngày, bên Hải sẽ có người gọi để xác nhận bưu cục gửi hồ sơ về. Tiếp đó, Hải dặn anh Tú, “anh nhớ nghe và giữ máy giúp em nhé. Nhân dịp năm mới, bên em có tấm lịch in hình ngân hàng gửi tặng anh. Để nhận được khoản vay này, anh phải trả khoản phí bảo hiểm là 1,39 triệu đồng. Bên em chỉ giữ khoản phí này trong thời gian 3 tháng, rồi hoàn trả lại cho anh”.
Một mẫu bưu phẩm lừa khách hàng khi vay tiền qua điện thoại và nhận bưu phẩm nộp phí bảo hiểm khoản vay. Ảnh: Hoàng Anh |
Theo hướng dẫn của Hải, anh Tú tìm đến bưu điện Thị xã Ninh Hòa để nhận bưu kiện, mã ID duyệt hồ sơ vay vốn được bên ngân hàng cấp sau khi thực hiện thanh toán khoản phí bảo hiểm 1,39 triệu đồng thông qua hình thức COD (dịch vụ thu tiền hộ).
“Điều bất thường là Hải nói tôi tới bưu điện thì gọi lại ngay, bên Hải ra một số hiệu để bên bưu điện gửi trả bưu kiện, tôi phải giữ bí mật số hiệu này tới ngân hàng và sẽ được giải ngân vay. Hải liên tục nhắc tôi không được ngắt điện thoại khi nhận bưu cục để được hỗ trợ. Đóng xong tiền COD nhận bưu cục, Hải yêu cầu tôi mở phong bì để nhận mã ID kích hoạt vay vốn ngân hàng gồm 12 số và đọc cho Hải qua điện thoại theo yêu cầu. Sau đó, Hải nói 20 phút nữa tiền sẽ về tài khoản tôi. Tuy nhiên, 30 phút sau cũng không thấy tiền đâu. Tôi gọi lại thì không liên lạc được. Tìm hiểu địa chỉ nơi gửi mới phát hiện là địa chỉ ma, lúc này biết mình đã bị lừa mất tiền rồi” - anh Tú thông tin.
Theo nhân viên bưu điện đưa bưu phẩm cho anh Tú, gói hàng được gửi theo đường bưu điện và đóng dấu COD (nhận hàng, trả tiền), bên ngoài gói hàng còn ghi: “Bưu tá không được mở. Vi phạm bồi thường 100% phí COD” nên rất khó để phân biệt thủ đoạn lừa đảo cho đến khi nạn nhân phát giác ra.
Sau khi anh Tú phát hiện bị lừa đảo thì liên tiếp có những nạn nhân tiếp theo đến bưu điện thị xã Ninh Hòa để nhận “mã ID kích hoạt vay vốn ngân hàng” nhưng được khuyến cáo kịp thời. Như trường hợp chị T.T.H.L (trú thị xã Ninh Hòa) đến bưu điện để thực hiện theo yêu cầu của người trao đổi cho vay tiền qua điện thoại cũng như chiêu thức cho vay mà anh Tú bị lừa trước đó. Khi chị L tỉnh táo nhận ra và không nhận bưu phẩm trên thì liên tục trong ngày 14.1, các đối tượng gọi điện và đe dọa.
Trong ngày 15.1, tiếp tục có 1 nữ nạn nhân đến bưu điện để nhận hàng với dấu hiệu tương tự, tuy nhiên chị này không rời điện thoại và sập bẫy lừa đảo ngay sau đó.
Đây là một chiêu thức lừa đảo mới khi các đối tượng có đủ dữ liệu về số điện thoại, họ và tên, thậm chí số chứng minh nhân dân để tiếp cận nạn nhân. Các đối tượng này đánh vào nhu cầu của người dân, nhất là những người đang khó khăn. Cộng với hình thức núp bóng COD qua đường bưu điện, yêu cầu nạn nhân không rời điện thoại để dẫn dắt nạn nhân đóng tiền “phí bảo hiểm”.
Khi nạn nhân hoàn thành xong, các đối tượng sẽ xác nhận lấy số tiền và mất hút ngay sau đó. Đại diện Bưu điện Ninh Hòa cảnh báo: Lúc đến bưu điện, nạn nhân không ngừng nghe điện thoại nên không nhận biết những cảnh báo có thể họ đang bị lừa. Có trường hợp sau khi được chúng tôi cảnh báo nhưng họ vẫn không tin.