Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, PV Dân Việt có mặt tại phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Nơi đây được xem là thủ phủ trồng hoa cúc vàng lớn nhất tỉnh Ninh Thuận.
Thời điểm này, đâu đâu trên những cánh đồng hoa cúc cũng thấy rộn vang tiếng cười, niềm phấn khởi của những người nông dân vì hoa cúc vàng năm nay tăng giá gần gấp đối so với mọi năm.
Đang tất bật chăm sóc gần 3.000m2 trồng hoa cúc vàng chuẩn bị cho thu hoạch phục vụ tết, anh Bùi Kỳ ở khu phố 6, phường Mỹ Bình cho biết, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi, giá hoa cúc vàng cũng lên xuống thất thường do dịch Covid-19 hoành hành nên ngay từ đầu vụ, người trồng hoa đã không mấy mặn mà.
Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may, từ hơn 1 tháng trở lại đây giá hoa cúc vàng liên tục tăng. Nếu như mọi năm, giá mỗi bó (3 cây) là 5.000 đồng thì nay đã tăng gần gấp đôi, đạt 10.000 đồng/bó.
"Hiện tại gần 3.000 mét vuông trồng hoa cúc vàng phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu của gia đình đã có thương lái ở TP. HCM đặt mua. Với giá mua như hiện nay, trung bình 1.000 mét vuông trồng hoa cúc vàng, nông dân có thể thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng", anh Kỳ cho biết thêm.
Cùng với hoa cúc vàng, giá nha đam vẫn duy trì ở mức ổn định dù không còn cao như thời điểm 2 tháng trước. Hiện nay, nha đam đang được thương lái thu mua với giá từ 1.000 - 1.300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu lãi từ 2 đến 3 triệu đồng/1.000 mét vuông.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Bình, toàn phường hiện có trên 40 hecta cây nha đam, tăng gần 10 hecta so với cùng kỳ năm trước và trên 3 hecta trồng hoa cúc vàng, giảm trên 5 hecta do nông dân chuyển đối cơ cấu cây trồng.
Thời điểm này, giá hoa cúc vàng liên tục tăng, trong khi đó giá nha đam duy trì ở mức ổn định đã giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống, phấn khởi trước thềm tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Cùng với hoa cúc vàng và cây nha đam, một số mặt hàng nông sản đặc thù như nho, táo, hành tím…, đặc biệt là ớt ở Ninh Thuận cũng đang liên tục tăng giá so với mọi năm.
Ngày 21/1, PV Dân Việt ghi nhận tại một số hộ nông dân trồng ớt tại khu phố 3 và khu phố 11 ở phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Đang tất bật thu hoạch ớt kim đang chín rộ của gia đình, bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên ở khu phố 11 cho biết, toàn bộ 2.000 mét vuông trồng ớt của gia đình đã được thương lái đặt mua với giá 70.000 đồng/kg. Với mức giá trên, sau khi trừ chi phí gia đình bà Duyên thu lãi trên 6 triệu đồng/tháng 2 đợt hái.
Theo tiểu thương thu mua ớt, giá ớt sừng đang được thương lái thu mua tại rẫy với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg; ớt kim giá dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước đó.
"Do phần lớn diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài, bên cạnh đó nguồn cung ớt tươi từ các tỉnh miền trung cũng bị hụt do thiệt hại bởi mưa lũ nên giá ớt liên tục tăng.
Dự báo giá ớt sẽ còn tiếp tục tăng vào thời điểm cận tết do cung không đủ cầu", một thương lái tên Thủy cho biết thêm.
Các mặt hàng nho và táo cũng đang duy trì ở mức giá cao, giá thu mua tại rẫy 25.000 đến 35.000/kg nho tươi và 15.000 đến 17.000 đồng/kg táo tươi.
Tuy nhiên, các hộ trồng nho và táo tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết, giá cao và ổn định là thế nhưng chỉ còn số ít diện tích có thể cho thu hoạch. Phần lớn diện tích cây nho và táo còn lại đã bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài từ những tháng cuối năm 2020, buộc nông dân phải cắt cành nên không còn nguồn cung cho thị trường tết.