Một buổi trưa chủ nhật cuối năm 2020, tại quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, trục đường "xương sống" của phường Dương Đông, TP Phú Quốc (Kiên Giang), giữa gần 40 vị khách, người ta chỉ nghe thấy những cuộc nói chuyện về đất đai.
Gần 2 năm qua, người Phú Quốc không còn thấy cảnh môi giới ngồi chật quán nước như vậy. Thế nhưng, hơn 1 tháng trở lại đây, thông tin hàng loạt lô đất đang được chủ rao bán, những khoản cắt lỗ của nhà đầu tư "bại trận", và hơn hết là dòng nhà đầu tư mới đang tìm đến thị trường Phú Quốc lại len vào từng ngóc ngách của thành phố đảo.
Đổ xô đầu tư đất thổ cư
Từ khoảng giữa tháng 12/2020, lượng người đầu tư đất tìm đến "đảo ngọc" Phú Quốc đột ngột tăng lên sau một thời gian bình lặng. Giá cọc sang tay từ 20-50 triệu đồng/lô diện tích dưới 300 m2 bắt đầu sôi động. Không ít chủ đất sẵn sàng bỏ những khoản cọc từ 20-30 triệu để nhận cọc từ người đưa ra mức tiền cao hơn.
Tại góc quán cà phê và liên tục nhận hàng chục cuộc điện thoại từ những khách đầu tư quen, ông Vũ Ngọc Khoa, một môi giới đất nền tại Phú Quốc chia sẻ gần một tháng trước ngày Phú Quốc có quyết định lên thành phố, khách đầu tư đang tập trung đến Phú Quốc gom mua đất ngày càng đông.
"Những ngày này, thị trường đang có chiều hướng tăng lên với lượng giao dịch tăng mạnh. Đồng thời, các chủ nhà cũng nâng giá bán lên từ 5-10% với mỗi lô đất. Ví dụ, trước đây lô đất rao bán 4,3 tỷ thì bây giờ chủ nhà đòi 4,6 tỷ", anh Khoa dẫn chứng.
Tương tự, ông Lê Nam (40 tuổi), một nhà đầu tư bất động sản và cũng kinh doanh dịch vụ du lịch với hơn 7 năm gắn bó tại thị trường này cho biết gần đây, lượng khách đổ về Phú Quốc để hỏi mua đất rất nhiều nhưng không ít chủ đất đã không muốn bán, đồng thời có hiện tượng lên giá thay vì bán giá cũ. Đơn cử, một lô đất hồi đầu năm rao bán 20 tỷ đồng thì từ khi có thông tin lên thành phố, giá đã tăng lên 22-24 tỷ đồng.
Sau cơn sốt đất 2018, các trục đường chính gần khu trung tâm Phú Quốc vẫn giữ giá mà không có dấu hiệu giảm. Ảnh: Quỳnh Danh.
"Giá đất đang bắt đầu thay đổi theo ngày như giai đoạn sốt đất trước đây. Cách đây 2-3 tháng người mua vẫn có thể tìm được một lô đất đẹp với giá tốt, đến nay thì rất khó. Chủ đất thường lên giá hoặc giữ giá cố định chứ không đồng ý thương lượng", ông Lê Nam kể.
Theo khảo sát của Zing, hiện nay tại Phú Quốc, các nhà đầu tư chủ yếu tìm các lô đất có giá từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng bởi nguồn cung tốt, khả năng tăng giá cao. Với khả năng tài chính 3 tỷ đồng đổ lại, người đầu tư vẫn còn nhiêu cơ hội để lựa chọn tùy vào vị trí, tuy nhiên các lô đất này thường nằm ở xa trung tâm. Nhóm khách hàng ở phân khúc giá này rất đông và sẵn sàng sang tên ngay nếu tìm được sản phẩm ưng ý.
Trong khi đó, vẫn có một bộ phận lớn nhà đầu tư tài chính cao hơn khoảng 50-100 tỷ đồng đang tìm kiếm những quỹ đất đẹp để đầu tư dịch vụ du lịch, khách sạn.
Tuy nhiên, các giao dịch thành công gần đây chủ yếu chỉ diễn ra ở 3 khu tái định cư chính là Khu dân cư Suối Lớn (73 ha) tại phường Dương Tơ, Khu đô thị mới Bắc Dương Đông (67,5 ha) và Khu tái định cư Khu phố 10 (10,2 ha) tại Dương Đông với mảnh đất đã được phân lô và có sổ đỏ.
Các khu vực khác của đảo có một số lô đất lẻ rao bán nhưng lượng giao dịch chậm và tâm lý người mua còn dè chừng về vấn đề quy hoạch. Ngoài ra, một phần lớn quỹ đất có vị trí đẹp tại Phú Quốc đã được các chủ đầu tư lớn phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Hoàng Long, một nhà đầu tư tại Phú Quốc cho biết do thành phố đảo hiện nay chỉ có 6% là đất thổ cư, trong khi đây là những khu vực hiếm hoi của Phú Quốc đã có quy hoạch chính chức và có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất lâu dài nên nhu cầu mua đất ở đây cao hơn so với các khu vực khác.
Khó tạo "sóng" ở Phú Quốc
Sau một thời gian dài chìm trong những cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư và môi giới ở Phú Quốc giàu lên nhờ đất nhưng cũng không ít người "thua cuộc" ở hòn đảo ngọc.
Từ cuối 2014, đầu năm 2015, thị trường đất Phú Quốc dần trở nên nhộn nhịp nhờ sự có mặt của các nhà đầu tư lớn như Vingroup với dự án Vinpearl Phú Quốc và đến năm 2016 là Sun Group.
Từ đó đến nay, Phú Quốc đã trải qua nhiều đợt sốt đất. Cùng với thông tin quy hoạch phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế từ cuối năm 2017 đã khiến chủ đất và các nhà đầu tư liên tục đẩy giá bất động sản Phú Quốc lên cao.
Khi bong bóng bất động sản tại Phú Quốc vỡ vào cuối năm 2018, thị trường này đã diễn ra một cuộc thanh lọc mạnh mẽ những nhà đầu tư năng lực yếu, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Thành phố đảo Phú Quốc đã trải qua nhiều cơn sốt đất liên tiếp trong nhiều năm do sự buông lỏng trong quản lý đất đai. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, các thông tin về quy hoạch và phát triển đô thị ở Phú Quốc luôn có tác động lớn đến tâm lý các nhà đầu tư, chính vì vậy mà giá bất động sản tại đây biến động lên xuống liên tục trong nhiều năm qua.
Ông Tuấn khẳng định giá cả thị trường vận hành theo quy luật nhưng đôi khi cũng gặp những sự cố như Covid-19 có thể khiến thị trường sụp đổ, tạo ra tính rủi ro của thị trường. Chính vì vậy, người đầu tư cần bình tĩnh và cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đưa ra các quyết định đầu tư vào lúc này.
Bên cạnh đó, đại diện của một công ty môi giới bất động sản tại Phú Quốc cũng chia sẻ trước đây có nhiều doanh nghiệp nhỏ ra Phú Quốc gom đất, sau đó phân lô bán lại với giá cao gấp 5-7 lần so với giá trị thật cho người đầu tư khiến thị trường phát triển kém lành mạnh.
Chỉ đến giữa tháng 5/2018, khi chính quyền địa phương nhận thấy hiện tượng tự ý phân lô, tách thừa trên đất nông nghiệp nhằm trục lợi của giới đầu nậu, UBND tỉnh Kiến Giang mới có công văn yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc, yêu cầu tạm dừng việc cấp phép hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến tháng 3/2020, Tỉnh ủy Kiên Giang có thông báo về việc chấp thuận chủ trương chấm dứt tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc sau 2 năm tạm ngưng. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2020, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục có công văn chỉ đạo tạm dừng phân lô, tách thửa các loại đất trên địa bàn huyện để chờ điều chỉnh quy hoạch.
Cẩn trọng để không mua với giá "đu đỉnh"
Theo đánh giá của ông Hồ Lâm (52 tuổi), một nhà đầu tư có kinh nghiệm ở nhiều thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang..., các nhà đầu tư tại Phú Quốc từ trước đến nay chủ yếu đầu tư bằng niềm tin thay vì giá trị thật của bất động sản.
"Việc thay đổi cấp hành chính từ huyện đảo lên thành phố đảo là một tiền đề rất đáng mừng cho sự phát triển của Phú Quốc. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội của Phú Quốc không thể cải thiện nhanh chóng", ông Lâm nhìn nhận.
Nhà đầu tư này cũng khuyến nghị khách hàng khi mua đất tại Phú Quốc thời điểm này cần đặc biệt chú ý đến quy hoạch và dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, lựa chọn và thương lượng mức giá phù hợp thay vì mải mê chạy theo lợi nhuận ngắn hạn mà gặp phải tình trạng mua với giá "đu đỉnh" và mắc kẹt.
"Đây không phải là câu chuyện xa lạ với giới đầu tư bất động sản Phú Quốc mà vẫn còn rất gần. Mới cách đây 2-3 tháng, vẫn có những chủ đất chấp nhận phải bán tài sản thấp hơn 20-30% so với giá mua vào ban đầu", ông nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm, ông Hoàng Long cũng cho rằng sau khi trải qua nhiều đợt sốt nóng, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 3/2018, giá đất tại Phú Quốc đã bị đẩy cao gấp 5-7 lần giá trị thực. Trong khi đó, những lô đất có giá trị kinh tế để đầu tư, kinh doanh lâu dài lại chiếm tỷ lệ dưới 5%. Bên cạnh đó, các quỹ đất quy mô lớn đều đã nằm trong tay các chủ đầu tư nên khó có thể tạo "sóng" mới cho địa bàn.
"Do chưa có quy hoạch chính thức nên rủi ro khi đầu tư đất tại Phú Quốc rất lớn. Người mua trước khi quyết định giao dịch cần kiểm tra kỹ về tình trạng sản phẩm, nếu cần có thể tìm đến các cơ quan chức năng hoặc những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để kiểm tra quy hoạch", nhà đầu tư này khyến nghị.