Ở Tokyo, khoảng trống nằm giữa các trụ cầu của những tuyến đường sắt trên cao không chỉ được làm kho chứa và bãi đậu xe. Chúng còn được biến thành các nhà hàng và những cửa hiệu ấm cúng, gắn liền với bản sắc của một số khu thương mại nhất định. Ví dụ nổi tiếng nhất có lẽ là đường ray gần khu thương mại Yurakucho, nơi mới mở cửa trở lại sau cuộc đại tu.
Người ta lợp ngói, lát gạch cho những khoảng trống nằm giữa các trụ cầu, biến chúng trở thành những cửa hàng ấm cúng theo phong cách truyền thống của Nhật Bản. Những quán ăn nhỏ được chiếu sáng bằng đèn lồng giấy đỏ nhưng nội thất hiện đại với hệ thống đèn sàn hướng dẫn du khách tới từng khu vực như ăn uống, bán lẻ và phố đêm. Đó là điều khác biệt.
Thậm chí, các nhà quy hoạch ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản còn muốn các khu vực này đa năng hơn nữa. Họ xây nhà xưởng, vườn ươm, ký túc xá đại học và các phòng khám y tế phía dưới những đường ray. Trong tình cảnh tấc đất tấc vàng ở Tokyo, những khoảng trống này đang ngày càng chứng tỏ vai trò của mình là một bất động sản có giá.
Hoạt động kinh doanh sầm uất dưới một đường ray xe lửa ở Tokyo.
Đường sắt trên cao đầu tiên của Nhật Bản được hoàn thành gần Yurakucho vào năm 1910. Ngay từ đầu, nó được thiết kế để những khoảng trống giữa những mố cầu phục vụ mục đích thương mại. Chủ nhà hàng đầu tiên kinh doanh phía dưới đường ray vào một thập kỷ sau đó.
Khi tăng trưởng kinh tế Nhật Bản tăng tốc trong những năm 1950-1960, mạng lưới đường sắt trên cao bùng nổ mạnh. Các nhà khai thác bắt đầu tăng cường thêm nhiều chuyến tàu để giảm bớt tắc nghẽn. Đó cũng là thời điểm họ gia tăng việc sử dụng gầm đường sắt làm nơi kinh doanh. Kể từ năm 1959, 112,2 km đường sắt trên mặt đất đã được đưa lên cao.
"Trước chiến tranh và sau những năm 1960, có rất nhiều áp lực về dân số và nhân khẩu học ở Tokyo. Vì vậy, bất cứ một thước đất nào cũng thực sự có giá trị và mọi người tận dụng tất cả mọi thứ", Jorge Almazán, phó giáo sư tại Trung tâm Kỹ thuật Thiết kế Không gian và Môi trường của Đại học Keio, cho biết.
Tuy nhiên, những gì mà người Nhật làm bị coi là bất thường ở phần còn lại của thế giới. các thành phố như New York hay Chicago, đường sắt trên cao gặp phải sự phàn nàn của người dân vì tiếng ồn, thiếu ánh sáng mặt trời, ô nhiễm và bẩn thỉu. Đường cao tốc trên cao ở nhiều thành phố của Mỹ hay châu Âu như Paris cũng hứng chịu những chỉ trích tương tự. Yêu cầu bảo tồn các kiến trúc xung quanh chúng càng khiến đường trên cao bị phản đối.
Nhiều loại hình kinh doanh có thể được tìm thấy dưới gầm đường ray tàu trên cao ở Nhật Bản.
Tokyo cũng gặp những phản đối tương tự ở các khu vực ngoại ô. Đây là những nơi mà hoạt động kinh doanh nhà hàng và bán lẻ thông thường vốn không có lãi. Cùng với đó, các nguồn lực địa phương khiến việc kinh doanh dưới gần đường sắt trên cao không thực sự hấp dẫn. Thậm chí, việc dân cư không quá đông đúc khiến gầm đường sắt trở nên hoang vắng và nguy hiểm, nhất là với phụ nữ.
Tuy nhiên, người Nhật có một giải pháp khác để giải quyết vấn đề này. Một nhóm nhà thiết kế và kiến trúc sư cùng với các nghệ sĩ và doanh nhân địa phương đề suất sử dụng gầm đường sắt ở những khu vực ngoại ô để biến chúng thành các nhà máy nhỏ hoặc công xưởng thủ công.Chúng thực sự đã phát huy hiệu quả.
"Kamata nằm ở rìa Tokyo nên nơi đây cần một cách tiếp cận khác. Trọng tâm của chúng tôi là làm sao để phát triển một loại hình nào đó có thể bén rễ trong khu vực, trở nên quen thuộc với người dân địa phương", Kazuhisa Matsuda, một kiến trúc sư chuyên về không gian phía dưới các đường ray tàu trên cao, nói.
Một cái nhìn khác về không gian dưới gầm cầu.
Thậm chí, người ta còn xây dựng cả những ký túc xá, phục vụ sinh viên các trường đại học nằm gần nơi tuyến đường sắt chạy qua. Chúng cũng được dùng làm nhà trẻ, không gian tổ chức sự kiện, văn phòng chia sẻ, nhà hàng hay cả nơi nghỉ ngơi công cộng. Tại Nerima Ward, một khu dân cư đông đúc ở phía tây Tokyo, người ta xây dựng cả một trung tâm y tế với 3 phòng khám chuyên khoa và 1 hiệu thuốc để giúp người dân hạn chế phải tới bệnh viện vì những vấn đề không quá nghiêm trọng.
Thực tế, dân cư đông đúc cùng những hạn chế về diện tích khiến Tokyo phải tận dụng mọi không gian họ có. Tuy nhiên, vấn đề mà Tokyo gặp phải cũng là vấn đề chung của các đô thị trên toàn thế giới. Việc tận dụng những khoảng trống giữa những khu trung tâm thành phố như các người Nhật đã làm có thể trở thành bài học cho cả thế giới trong việc tái sử dụng những không gian vốn thường bị bỏ đi.
Để bắt đầu, chính quyền nên cho phép người dân thuê lại những không gian này với giá thấp và cho họ tự do trong việc phát triển không gian kinh doanh của mình. Điều này sẽ khiến các đô thị quen dần với mô hình mới. Khi chúng chứng minh được vai trò và hiệu quả, chắc chắn sẽ có nhiều người tìm đến các không gian này để phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Bài học thành công ở nước Nhật có thể sẽ là động lực cho phần còn lại của thế giới trong việc tận dụng những không gian, vốn chưa được chú trọng này.
Theo Trí thức trẻ