Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Trung có hai doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát là Công ty TNHH XD&TM Phùng Hải và Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Thành Công. Được biết, ngày 26/10/2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 31/UBND cho Doanh nghiệp tư nhân Thành Công sau đổi tên thành Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Thành Công (Công ty Thành Công).
Vị trí khai thác tại mỏ cát sông Đà thuộc địa bàn xã Trung Nghĩa (12/2019 sáp nhập xã Trung Nghĩa thành xã Đồng Trung). Giấy phép có hiệu lực 3 năm và diện tích khai thác là 9,88ha, độ cao khai thác từ 5.0m đến 8.5m. Trong quá trình khai thác công ty Thành Công được sử dụng 3 tàu quốc, 2 tàu hút và 2 tàu vận tải.
Theo phản ánh của rất nhiều người dân thì có khoảng 20-30 con tàu vỏ sắt đang ngày đêm hút cát trái phép tại xã Đồng Trung.
Những con tàu này dùng máy nổ công suất lớn, vừa di chuyển vừa hút khoáng sản rất chuyên nghiệp. Thậm chí, vào khoảng thời gian 21 - 23 giờ ngày 28/10 và rạng sáng 29/10, phóng viên báo Nhà báo & Công luận chứng kiến cảnh 12 con tàu vỏ sắt không số hiệu bình thản thọc vòi rồng xuống hút cát.
Những tàu này đánh cắp tài nguyên ngoài giờ quy định nhưng không vấp phải sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương.
Khi chúng tôi tới gần ghi nhận làm bằng chứng, những lao động lực lưỡng làm việc trên tàu vẫn tỏ ra không lo sợ, cho thấy họ đang bất chấp pháp luật vì mục tiêu lợi nhuận. Những con tàu này nằm trên địa phận mỏ của công ty Thành Công.
Chiếu theo Nghị định 23/2020/NĐ-CP thì việc khai thác cát sỏi của các doanh nghiệp được phép hoạt động trong thời gian từ 7h đến 17h hàng ngày. Như vậy hoạt động khai thác cát tại điểm được cấp phép cho công ty Thành Công là trái phép, vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước.
Mới rạng sáng những con tàu quốc không số đang miệt mài khai thác cát rồi truyền băng tải sang tàu chở hàng đang đợi sẵn
Tại sao trong địa phận khai thác của Công ty Thành Công lại có những con tàu không số? Hút cát vào những giờ sai quy định? Câu hỏi này người dân biết, Công ty Thành Công biết nhưng chính quyền thì chưa tỏ?!...
Giới hạn khai thác của công ty Thành Công ở điểm toạ độ A1, A2, A3, A4, A5, A7, A8, A1, chữ lượng huy động vào khai thác 676.781m3. Giấy phép này yêu cầu doanh nghiệp phải khai thác cát đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, cũng như những ghi nhận thực tế của phóng viên, Công ty Thành Công thường xuyên vi phạm mốc giới, độ sâu khai thác, vi phạm hành lang đê điều, gây nguy cơ sạt lở, hư hại hoa màu, ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân.
Việc khai thác cát xuyên đêm đang thách thức “mẹ” thiên nhiên, thách thức pháp luật, diễn ra vô tư nhiều năm nay, đã gây bức xúc đỉnh điểm đối với cư dân địa phương. Đặc biệt, bà con đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền cấp xã, huyện nhưng điều họ nhận lại chỉ là sự im lặng.
Không những thế, người dân dọc sông Đà tại xã Đồng Trung nhiều năm nay phải sống chung với những tiếng ồn từ những chiếc tàu quốc đang ngày đêm rút ruột lòng sông. Hệ luỵ kéo theo, rất có thể sẽ xoá đi toàn bộ những thành quả do con người tạo dựng...
Tàu khai thác cát ban đêm đang hoạt động tại khu vực mỏ Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Thành Công
Trao đổi với phóng viên, ông N. H. K ở Khu 6, xã Đồng Trung cho biết: "Cuộc sống của tôi gắn liền với mảnh đất này, trải qua bao cuộc chiến thăng trầm nhưng không cuộc chiến nào gay gắt như cuộc chiến chống hút cát. Các tàu khai thác cát hoạt động ầm ĩ suốt ngày, đêm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền về doanh nghiệp khai thác cát vô tội vạ, sai quy định nhưng xã nói không có thẩm quyền...”.
Ông N. H. K ở Khu 6, xã Đồng Trung lo lắng nguy cơ sạt lở đất, mất hoa màu vì tàu hút cát ngày đêm
Bà N.T.M người dân thôn 2 xã Đồng Trung kiến nghị: "Chúng tôi kiến nghị Công ty Thành Công khai thác đúng quy định, nếu sự việc này còn diễn ra lâu dài chắc chắn thiệt hại không nhỏ đến hoa màu của bà con. Không thể để tình trạng thiệt hại xong mới nghĩ cách khắc phục...”
Hàng chục con tàu đang hoạt động lúc rạng sáng
Hẳn chúng ta còn nhớ sự việc đau lòng vào tháng 3/2019, 2 nữ sinh lớp 6 trường THCS Trung Nghĩa bị trượt chân dẫn đến tử vong tại sông Đà. Người dân khẳng định đây là hệ lụy của việc công ty khai thác múc cát làm đoạn đường xuống điểm mỏ khai thác nên mới có hố sâu như vậy.
Việc khai thác, hút cát của doanh nghiệp vô hình chung đã “hút’ luôn mạng sống của con em nhân dân nơi đây.
Công tác xã hội hóa trong khai thác khoáng sản, cụ thể ở đây là tài nguyên cát dưới các lòng sông là một chủ trương đúng, đã được chính quyền tỉnh Phú Thọ thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước tình trạng, khai thác cát bừa bãi, sai quy định dưới lòng sông Lô, tỉnh Phú Thọ đã buộc phải ra văn bản dừng toàn bộ các hoạt động trên toàn bộ con sông này.
Riêng đối với sông Đà, các doanh nghiệp hiện vẫn được phép tiến hành khai thác. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, nguồn khoáng sản tài nguyên này rất dễ bị tận thu, lợi nhuận rơi vào tay cá nhân, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước và trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng người dân
"Chúng tôi đã từng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng giờ cơ quan chức năng lại không thể bảo vệ chúng tôi, thử hỏi niềm tin của chúng tôi biết đặt vào ai?..." Trăn trở của người dân này xin gửi tới UBND tỉnh Phú Thọ và Sở ban nghành có thẩm quyền liên quan….