Tổng cục thuế nói gì?
Trong văn bản gửi báo chí, Tổng cục Thuế giải thích lý do sửa đổi quy định về yêu cầu tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 126 .
Tổng cục Thuế cho biết, từ khi Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, thực tế triển khai cho thấy bên cạnh các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp này, không thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý IV (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế cho rằng số doanh nghiệp có doanh thu bất thường trong quý 4 không phải là phổ biến. |
Số thu thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước bị chiếm dụng và nộp vào năm ngân sách sau gây ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, không đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và các doanh nghiệp không tuân thủ.
Theo lập luận của cơ quan thuế, việc quy định tại Nghị định 126 xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, và sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Nghĩa vụ phải nộp chính thức sẽ được xác định khi doanh nghiệp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm kết thúc năm tính thuế.
“Các trường hợp doanh nghiệp có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý 4 mà doanh nghiệp không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến”, Tổng cục Thuế nêu quan điểm.
Chính sách không thực tế, DN khó thêm khó
Trước giải thích này của Tổng cục Thuế, giám đốc một doanh nghiệp đã nói thẳng cách trả lời như vậy là “không đúng thực tế”. Theo vị này, quý 4 tăng doanh thu, thu nhập so với 3 quý đầu năm là chuyện phổ biến, không phải như Tổng cục Thuế giải thích là “không phổ biến”.
“Doanh nghiệp có biết trước thì sao? Vẫn bị phạt như quy định vì quý 4 lãi cao hơn bình quân 3 quý đầu năm thì luôn luôn tính tiền chậm nộp”, vị này chia sẻ.
Một chuyên gia kế toán đã bình luận: Nền kinh tế kế hoạch tại Việt Nam đã được chuyển đổi sang kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa từ 1986, nhưng các hạt mầm của lề lối cũ trong tư duy quản lý không dễ gì mà mất đi. Việc xây dựng văn bản pháp luật là phải xem xét tới mọi đối tượng có thể bị ảnh hưởng, chứ không phải số doanh nghiệp "không dự kiến được không phải phổ biến" mà có thể nhắm mắt bỏ qua được!
Theo chuyên gia này, cách thức xây dựng pháp luật như vậy khiến cho thời gian qua “ngành thuế cho ra lò nhiều sản phẩm bị phản ứng dữ dội, giống như Nghị định 20/2017 trước đây và giờ là Nghị định 126”.
Cũng có ý kiến chia sẻ rằng: Cho dù doanh nghiệp ước tính được số thuế cả năm cũng không thể nộp trước như vậy. Nếu thuế thu nhập doanh nghiệp tính cho 1 năm tài chính, thì nghĩa vụ thuế chỉ phát sinh khi kết thúc năm tài chính, còn tạm nộp là mộthình thức huy động trước hoàn toàn không phù hợp.
Ví dụ DN hai quý đầu năm lãi, hai quý cuối năm lỗ nặng, mà doanh nghiệp phải gồng mình bỏ ra một khoản tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước, nó hầu như không ảnh hưởng gì đến ngân sách nhưng có thể giết chết 1 doanh nghiệp. Đó là điều bất hợp lý trong tư duy nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước theo quý. Từ chỗ tư duy tận thu thuế này mới “đẻ” ra những quy định kỳ quặc như tính ngược lãi phạt chậm nộp cho khoản tiền rõ ràng là ngân sách ứng trước của doanh nghiệp.
Từ câu chuyện của Nghị định 20/2017NĐ-CP, đến Nghị định 126/2020/NĐ-CP, rõ ràng cơ quan soạn thảo ra những Nghị định này cần thay đổi tư duy làm luật trước khi trình lên Chính phủ ban hành những chính sách liên quan sát sườn đến doanh nghiệp. Tư duy ấy không gì khác ngoài việc “nuôi dưỡng nguồn thu”, để doanh nghiệp có không gian để sinh tồn, phát triển thay vì chưa kịp lớn đã phải đối mặt với bao chông gai từ chính sách thuế. Bởi theo một lẽ tự nhiên, “muốn có sữa thì phải chăm bò”.
Với thực tế xây dựng các chính sách thuế thời gian qua, đại diện nhiều DN bày tỏ, việc lấy ý kiến góp ý với các văn bản liên quan mật thiết đến doanh nghiệp cần phải được tiến hành thực chất hơn, tham vấn ý kiến của nhiều bên thông qua cả các hội thảo, hội nghị, tọa đàm… thay vì chỉ tải văn bản lấy ý kiến lên web, gửi văn bản lấy ý kiến. Đặc biệt, tham vấn phải đi kèm với tôn trọng và tiếp thu, không chỉ làm hình thức rồi vẫn áp đặt chủ quan của nhà quản lý để đến khi ban hành thì quy định vẫn như cũ.
Đại diện Hội kế toán hành nghề Việt Nam đã chia sẻ, dự thảo Nghị định 126 chỉ được lấy ý kiến tổ chức này 1 lần, và việc tiếp thu cũng chỉ một phần, đến khi Nghị định ban hành tất cả đều “ngã ngửa” và cảm thấy như bị 'đánh úp'. Hay như Nghị định 20, sau khi doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh kiến nghị nhiều năm trời, quy định liên quan đến khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới được sửa đổi. Song việc sửa đổi cũng chỉ dừng ở mức nâng trần khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, bổ sung thêm một số chi phí vay được loại trừ. Trong khi đó, rất nhiều ý kiến đã cho rằng việc quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ này là không cần thiết bởi một nguyên tắc đơn giản “những chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp đều phải được khấu trừ khi tính thuế”.
Trước ý kiến của cơ quan thuế về việc còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp này, không thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý IV mới nộp thuế gây ảnh hưởng ngân sách nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, với những doanh nghiệp “làm bậy”, “luồn lách trốn thuế” cần phải bị xử lý thông qua việc tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát hữu hiệu, bao gồm cả việc nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức thuế, thay vì buộc những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của pháp luật thuế chịu “vạ lây” theo kiểu thà bắt nhầm còn hơn 'bỏ sót' |