Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM tăng thời gian cách ly từ 14 ngày lên 21 ngày với trường hợp liên quan vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh.
Theo đó, các trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm ở Hải Dương, Quảng Ninh, người đến/đi từ vùng dịch tễ do Bộ Y tế công bố, đến TP HCM phải thực hiện cách ly tập trung 21 ngày thay vì 14 ngày như trước. Người có mặt tại TP Chí Linh, Hải Dương từ ngày 7 đến 15/1, người làm việc hoặc đi qua sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh từ ngày 7 đến 21/1, phải cách ly tại nhà đủ 21 ngày thay vì 14 ngày.
Chiều 28/1 TP HCM đã dừng hoạt động một tòa nhà văn phòng do có người liên quan đến bệnh nhân ở Quảng Ninh.
Trước đó, chính phủ đã ra chỉ thị về phòng chống dịch, trong đó yêu cầu yêu cầu thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội lâu hơn 6 ngày (trước là 15 ngày) và thời gian cách ly y tế với những ca F1 kéo dài thêm 7 ngày (trước đây là 14 ngày). Đây được xem là biện pháp mạnh, cao trên một mức so với các đợt dịch trước, do xuất hiện biến thể mới của nCoV có tốc độ lây lan nhanh.
Từ ngày 28/1 đến sáng 29/1, Việt Nam ghi nhận 109 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh, chấm dứt 55 ngày không lây cộng đồng. Hiện 5 địa phương đã ghi nhận có ca nhiễm, là Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự báo sẽ phát hiện nhiều ca nhiễm nữa liên quan ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh, do biển thể nCoV lây nhanh và số mẫu chờ kết quả xét nghiệm còn nhiều. Ông kỳ vọng bằng các biện pháp truy vết khoanh vùng quyết liệt, kích hoạt tất cả cơ chế chống dịch cao nhất, trong khoảng 10 ngày sẽ khống chế được ổ dịch lần này.
Việc giãn cách xã hội đã được triển khai ở các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, phong tỏa 21 ngày kể từ 12h ngày 28/1. Tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội, mức độ từng khu vực. Quảng Ninh cho học sinh nghỉ học từ ngày 28/1 đến hết tuần. Hải Phòng dừng các sự kiện tập trung từ 30 người trở lên. Xã Lâm Thao, Lương Tài, Bắc Ninh, gần 6.900 người bị phong tỏa.