Hàng hoá xuất khẩu hồi phục nhanh
Hoạt động xuất khẩu hàng hoá của tỉnh An Giang không nhiều như một số tỉnh thành, khi dịch Covid- 19 xuất hiện, hàng hoá xuất khẩu gần như là đóng băng. Tuy nhiên, gần đây tình hình xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại.
Đại diện Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, tại An Giang, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, phân bón, gạo, mì gói, sắt thép, bách hoá, quần áo, xi măng, gốm sứ, máy và thiết bị máy, điện năng…Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch trong tháng 10/2020 đạt 128,44 triệu USD; lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 1.276,29 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Lượng hàng hóa quá cảnh trong tháng 10/2020 đạt 30.4 nghìn tấn; lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 251,60 nghìn tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch hàng hóa đăng ký nơi khác nhưng xuất khẩu qua các cửa khẩu An Giang tháng 10/2020 đạt 113,68 triệu USD, lũy kế đạt 1.136,02 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy tại thời điểm này, tình hình xuất khẩu hàng hoá qua cửa khẩu An Giang hồi phục gần bằng so với trước khi dịch Covid- 19 bùng phát tại Việt Nam.
Đồ điện do Việt Nam sản xuất đang được xuất khẩu mạnh qua thị trường châu Âu
Bà Bùi Thị Dung - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) - cho rằng, đại dịch Covid- 19 đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn BRVT giảm sút mạnh, nhất là xuất khẩu nông thuỷ hải sản, đồ tiêu dùng. Trước thực tế này, ngành Công Thương BRVT đã thực hiện quyết liệt các chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, kịp thời lên danh sách các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn về vốn, giảm và giãn thuế, điều kiện sản xuất, thị trường, xúc tiến thương mại. Nhờ đó những khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã dần được khắc phục và nhiều ngành nghề đã từng bước hồi sinh trở lại.
Bà Dung dẫn chứng, tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu của BRVT đã tăng 22,5% so với cùng kỳ, đạt 805,22 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô ước 493,63 triệu USD, tăng 15,89% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tăng 7,25% so với cùng kỳ, đạt 6.803,33 triệu USD.
Nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là nhóm hàng xuất khẩu chính của BRVT với tỷ trọng 93,88% trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô, tương đương 3.910,3 triệu USD, tăng 5,38% so với cùng kỳ
Tính từ đầu năm đến nay, hàng hoá của BRVT xuất khẩu qua thị trường châu Á đã tăng 11,81% so với cùng kỳ, đạt 4.764,63 triệu USD, chiếm tỷ trọng 70,03% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hàng hoá xuất khẩu sang một số quốc gia tăng trưởng trở lại như Ấn Độ (tăng 1,7 lần); Singapore (tăng 1 lần); Hồng Kông (+81,62%); Bangladesh (+50,88%); Campuchia (+38,12); Sri Lanka (+13,02%); Trung Quốc (+7,68%).
Thị trường châu Âu chiếm 1,89% về tỷ trọng, với 128,45 triệu USD, tăng 1,3 lần. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, do dịch Covid- 19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước châu Âu, hoạt động giao thương chậm lại vì hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên một số thị trường xuất khẩu giảm, cụ thể như Anh quốc giảm 94,01%, Đức giảm 53,46%.
Kim ngạch tăng trưởng dương bất chấp khó khăn của dịch bệnh
Mặc dù dịch Covid- 19 đã làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế, nhưng kết quả của hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nhiều tỉnh thành ở miền Nam từ đầu năm đến nay đã có mức tăng trưởng khả quan, trong đó TP. Hồ Chí Minh vẫn đạt mức tăng trưởng dương.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 36.710,4 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 35.225,2 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, một số mặt hàng đã có chỉ số tăng trưởng mạnh như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 14.595,7 triệu USD, tăng 21,3%; nhóm thủy hải sản đạt 967,5 triệu USD, tăng 13%; nhóm hàng hóa khác 2.550,2 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN Thành phố với kim ngạch xuất khẩu của 10 tháng đạt 8.824,6 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ, chiếm 26,6% tỷ trọng xuất khẩu và thâm hụt thương mại lên đến 3.695,5 triệu USD. Thị trường Hoa Kỳ đạt 5.498,8 triệu USD, tăng 0,7% so cùng kỳ, chiếm 16,6% tỷ trọng xuất khẩu và thặng dư thương mại đạt 3.357,5 triệu USD.
Thuỷ hải sản là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các DN ở khu vực miền Nam hiện nay
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hạt động giao thương, thị trường còn rất nhiều khó khăn nhưng nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp giải toả những khó khăn, vướng mắc tại từng DN, các gói hỗ trợ dành cho DN từ Chính phủ đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục và tìm lại đà tăng trưởng.
Theo các DN làm hàng xuất khẩu tại địa bàn thành phố, chưa bao giờ DN sản xuất gặp nhiều bất trắc trong giao thương như từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, trong khó khăn không ít DN vẫn tìm được lối ra, lách qua khe của hẹp để duy trì guồng máy sản xuất và gia tăng xuất khẩu sản phẩm.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) - chia sẻ, hoạt động sản xuất của công ty hiện nay đã hồi phục được 80 - 90% so với trước khi Covid- 19 xảy ra, riêng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nước giải khát sang thị trường Nhật Bản và Myanmar hiện vẫn giữ mức tăng trưởng trên hai con số so với trước đây trước đây. Mới đây, Bidtrico của chúng tôi vừa xuất khẩu sang Nhật Bản một container các loại nước giải khát giàu dinh dưỡng và sẽ tiếp tục thực hiện một số đơn hàng đã ký trong thời gian tới. Điều này cho thấy, hàng Việt vẫn có sức hút mạnh mẽ cho dù dịch bệnh Covid- 19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.