Thông tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong 11 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 vẫn giảm nhẹ, ở mức 7,75 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong nhóm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, các sản phẩm như tôm; cua, ghẹ và giáp xác; nhuyễn thể vẫn có sự tăng trưởng tốt ở mức hai con số; song sản phẩm cá tra và cá ngừ vẫn còn giảm nhẹ.
Trong 6 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc đều đạt tăng trưởng dương lần lượt là 25%, 30% và 15% trong tháng 11. Đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019, dự báo cả năm 2020 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,65 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019.
Thị trường EU cũng hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19-30%. Tính hết tháng 11, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD (giảm 3,8%) và cả năm 2020 đạt khoảng 992 triệu USD, giảm 2,4% so với năm 2019.
Xuất khẩu thủy sản khởi sắc trở lại "bất chấp" dịch Covid-19 |
Tôm tăng giá
Tháng 11/2020, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 10 – 15% so với tháng 10/2020. Hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 22-25 con/kg giá 176.000 đồng, loại 26-30 con/kg giá 162.000 đồng/kg, loại 35-40 con/kg 135.000 đồng/kg, loại 55-60 con/kg giá 122.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá 250.000 đồng/kg, loại 30 con/kg 215.000 đồng/kg.
Xuất khẩu tôm tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28% khi đạt 395 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, XK tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương và lợi thế do việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 tạo ra tính ổn định trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, tôm Việt Nam cũng chịu cạnh tranh lớn từ Indonesia tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, với Ấn Độ tại thị trường Nhật Bản…, nếu không đảm bảo chất lượng ổn định thì khó có thể duy trì bền vững những lợi thế hiện có.
Cá tra khởi sắc
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL sau khi bắt đầu phục hồi từ tháng 10 cũng tiếp tục tăng trong tháng 11/2020 và hiện nay đang ở mức 22.000-22.500 đồng/kg (cá tra loại I từ 700-900g/con), tăng 4.000 - 6.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2020 và tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019. Giá cá tra giống cũng tăng lên mức 29.000 - 30.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá tăng do thị trường xuất khẩu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường mua cá tra nguyên liệu để chế biến, chuẩn bị phục vụ nhu cầu thị trường được dự báo tăng cao dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021. Ngoài ra, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương có phần hạn chế vì thời gian qua giá ở mức quá thấp, nhiều hộ nuôi đã giảm diện tích nuôi hoặc nuôi với mật độ thấp.
Xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục từ tháng 10, với kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng mạnh so với những tháng trước dù vẫn giảm 5% so với cùng kỳ; sang tháng 11 còn giảm 4%. Tính đến cuối tháng 11/2020, xuất khẩu cá tra đạt 1,34 tỷ USD, giảm 24% và ước cả năm nay sẽ đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2019.
Từ nay đến cuối năm, các tỉnh ĐBSCL sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tăng hàm lượng chế biến sâu, tạo thêm các mặt hàng giá trị gia tăng để nâng kim ngạch xuất khẩu tôm; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nắm và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho người dân nhanh chóng phục hồi vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng tôm nuôi; giảm chi phí giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh.